Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hòa giải

Ngày 7/3/2018, tại TPHCM, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) - thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo “Quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về hoạt động hòa giải thương mại”. Sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 150 doanh nghiệp đến từ các lĩnh vực, Bảo hiểm, Ngân hàng, Xây dựng,...
Hội thảo tập trung giới thiệu các quy định về hòa giải thương mại trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại; Bộ quy tắc dành cho hòa giải viên của VIAC.
Các đại biểu cũng đã được nghe bà Nina Mocheva - Chuyên gia Tài chính cấp cao, Bộ phận Nâng cao tính sáng tạo, cạnh tranh và Phát triển thị trường tài chính, Nhóm Ngân hàng Thế giới chia sẻ Kinh nghiệm quốc tế về giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động hòa giải và bài học cho Việt Nam, như Hòa giải – Trọng tài (Med-arb) và phương thức áp dụng khi thỏa thuận hòa giải thành được chuyển đổi thành phán quyết trọng tài; Tác động của hòa giải trong việc khắc phục các hạn chế của pháp luật về thực thi phán quyết tại tòa án; Áp dụng thủ tục sử dụng các bằng chứng/thông tin được trao đổi trong quá trình hòa giải cho các thủ tục tố tụng tại tòa tiếp theo; Các quy định về công bố thông tin và thẩm quyền của hòa giải viên gặp các bên một cách độc lập trong pháp luật Việt Nam và trong Bộ luật mẫu của UNCITRAL; Sự khác biệt của hoạt động hòa giải tại Tòa án và hòa giải được quy định tại Nghị định 22.
Hội thảo cũng nhận được sự chia sẻ của Giáo sư Hiro Aragaki, Hòa giải viên quốc tế, Giáo sư Luật, thành viên FCIArb, giảng viên Trường Luật của Los Angeles và Phó giáo sư nghiên cứu của Trường SOAS, Đại học London về những Kinh nghiệm thực tiễn từ hòa giải thương mại tại Anh và Mỹ.
Theo Ngày Mới Saigon
Từ khóa : VIAC, IFC