“Chính phủ có thể chế tốt, đổi mới thì doanh nghiệp được nhờ”

BizLIVE - "Khi hàng rào thuế quan về 0% sẽ đặt Việt Nam đối diện với cạnh tranh toàn cầu rất lớn. Chính phủ có thể chế tốt, đổi mới thì doanh nghiệp được nhờ. Doanh nghiệp mà yếu kém, không đủ bản lĩnh thì chúng ta sẽ thua thiệt".

Ảnh minh họa.
Trong cuộc trò chuyện dịp đầu năm mới với BizLIVE , GS.TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng năm 2016 kết thúc với nhiều kết quả đáng ghi nhận, tăng trưởng dù không đạt mục tiêu nhưng vẫn ở mức rất cao trong khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Võ Đại Lược: Không phủ nhận là rất cao, song sự tăng trưởng này còn có tồn tại nhiều vấn đề. Chúng ta vẫn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên, thâm dụng lao động, chỉ số sáng tạo không cao.

GS.TSKH. Võ Đại Lược
Đặc biệt, yếu tố nước ngoài đóng vai trò quá lớn trong nền kinh tế. FDI hiện chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, còn lại 30% là khu vực nội địa với chủ yếu là các mặt hàng nông nghiệp, tài nguyên...
Trong khi nội lực nền kinh tế còn yếu thì các chương trình tái cơ cấu nêu ra vẫn chưa có những thay đổi căn bản về chất.
Chẳng hạn như đầu tư công, hiệu quả còn thấp, đầu tư còn dàn trải lãng phí, tham nhũng tràn lan. Chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm trễ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa còn thấp. Khối lượng nợ xấu rất lớn. Nợ xấu dồn lại vào VAMC nhưng bán chẳng được. Một số ngân hàng yếu kém đáng phải cho phá sản thì Nhà nước lại ôm lại, mua với giá 0 đồng.
Theo cách nhìn của tôi, cả 3 chương trình tái cơ cấu ấy vẫn chưa thực chất. Tái cơ cấu là làm lại nhưng nếu tư duy vẫn như cũ thì rất khó. Trong khi đó, chúng ta hội nhập quốc tế rất sâu rộng, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Khi hàng rào thuế quan về 0% sẽ đặt Việt Nam đối diện với cạnh tranh toàn cầu rất lớn. Chính phủ có thể chế tốt, đổi mới thì doanh nghiệp được nhờ. Doanh nghiệp mà yếu kém, không đủ bản lĩnh thì chúng ta sẽ thua thiệt.
Vậy dự cảm của ông ra sao về kinh tế 2017?
Tôi nghĩ là khó có thể sáng hơn năm 2016. Bởi nền kinh tế thế giới năm nay có thể sẽ xấu hơn. Cuối năm 2016, FED tăng lãi suất. Dự báo năm 2017 sẽ có 3 lần tăng lãi suất. Khi tăng lên tới quá 2% thì đây thực sự là điều “chấn động” thế giới. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng có khả năng giảm khi tình hình thế giới xấu.
Trong khi đó, kinh tế trong nước như tôi đã đề cập ở trên, có quá nhiều chuyện, quá nhiều vấn đề khó khăn còn dở dang, chưa được xử lý, từ doanh nghiệp nhà nước, nợ công, nợ xấu... Rồi thiên tai, biến đổi khí hậu dồn dập...
Nói thì có vẻ bi quan, nhưng đúng là khó có thể tốt hơn năm ngoái. Duy trì được như năm 2016 tôi thấy là tốt rồi. Tuy nhiên có một điều mà chúng ta vẫn trông chờ, đó là khi bị dồn đến chân tường, động lực đổi mới sẽ thực sự mạnh mẽ.
Quả thực nguy cơ tụt hậu đang rất hiện hữu. Không so sánh đâu xa, chỉ với các nước trong khu vực thôi, chúng ta tụt hậu rất nặng nề về năng suất lao động so với Thái Lan, Trung Quốc...
Công bố mới đây cho thấy, so với năm ngoái năm 2016 Việt Nam đã tụt 7 bậc, xếp ở vị trí 59 trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Và còn rất nhiều những chỉ số khác cho thấy Việt Nam đang tụt lại.
Từ tháng 7/2017, Việt Nam có thể sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA, chuyển sang vay theo điều kiện thị trường, tức vay thương mại. Điều này có là một khó khăn?
Chắc chắn sẽ khó hơn trong việc huy động vốn. Nhưng tôi lại cho rằng không có gì đáng lo ngại. Chúng ta phải hiểu rằng không ai cho không ai cái gì. ODA cũng vậy. Quốc gia cấp ODA cho một nước khác thường sẽ kèm theo điều kiện để các công ty của nước họ thực hiện các công trình sử dụng nguồn vốn đó.
Nếu không giám sát tốt, dùng vốn ODA không hề rẻ mà còn rất đắt. Nhiều nước ở châu Á họ đâu có dùng đến ODA. Nếu nhìn rộng ra thì thấy không có nước nào phát triển, bứt phát bằng ODA cả.
Vậy theo ông, điểm nhấn quan trọng để phát huy nội lực là đâu?
Đại hội Đảng đã đưa ra 3 khâu đột phá để đưa Việt Nam phát triển, đó là thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực. Theo tôi để Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các nước đó chính là vấn đề nhân lực.
Điều quan trọng nhất phải làm mà chúng ta vẫn chưa làm được để thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu đó là trọng dụng nhân tài.
Muốn đất nước phát triển, không còn cách nào khác đó là phải thu hút được người tài vào trong các cơ quan nhà nước. Yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, như Tổng bí thư cũng đã có lần nói "Chạy chức, chạy quyền, chạy mọi thứ"... Quả thực nạn “chạy” ở Việt Nam quá phổ biến. Cái gì cũng có thể “chạy” được.
Mỗi năm chúng ta tuyên dương bao nhiêu thủ khoa, cộng dồn lại có cả vài trăm người, nhưng họ đi đâu hết rồi? Điểm lại đâu có mấy cô cậu thủ khoa vào làm cho Nhà nước. Thủ khoa mà đem họ về không trọng dụng họ thì họ cũng sẽ bỏ đi thôi.
Việt Nam không phải thiếu người giỏi đâu. Nhiều người tài giỏi lắm. Nhưng người TS. Vũ Minh Khương, TS. Trần Ngọc Anh... sang Harvard học được khen lắm. Học giỏi tài cao nhưng về nước lại không có đất dụng võ nên nhiều người ra nước ngoài làm việc hoặc làm cho một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam...
Phải nhìn nhận thẳng một vấn đề, đó là chúng ta có chưa có chính sách trọng dụng nhân tài tốt. Trong khi đó thế giới họ đua nhau cuộc chiến nhân tài, tìm mọi cách thu hút nhân tài.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo N.MẠNH (BizLive.vn)
Từ khóa : Võ Đại Lược, Viện Nghiên cứu kinh tế