Loạt chính sách mới quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2017

BizLIVE - Phạt nặng hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; quy định mới về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội... là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2017.

Ảnh minh họa.
Người tiểu bậy sẽ bị phạt 3 triệu đồng
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, từ 1/2/2017, mức phạt tiền sẽ tăng gấp 10 lần với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng.
Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Mức phạt một số hành vi khác cũng sẽ tăng theo Nghị định này. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000-100.000 đồng) với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.
Khoản 2 điều này quy định, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 (quy định cũ 1.000.000-2.000.000 đồng) với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Mức hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự
Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành dự án phát triển kinh tế xã hội được ban hành ngày 28/12/2016.
Theo đó, các đối tượng nêu trên có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp đáp ứng điều kiện và được cấp thẻ đào tạo nghề được cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận, tổ chức đào tạo và chi hỗ trợ như sau:
- Chi hỗ trợ đào tạo theo Điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC ;
- Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học;
- Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên;
Trong đó, ưu tiên chi hỗ trợ đào tạo trong giá trị tối đa của thẻ, giá trị còn lại của thẻ chi hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại.
Trường hợp tổng chi hỗ trợ vượt quá giá trị tối đa của thẻ thì người học tự chi trả phần kinh phí chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu thấp hơn giá trị của thẻ thì NSNN quyết toán số chi thực tế.
Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 12/02/2017.
Thời gian huấn luyện lần đầu về an toàn, vệ sinh lao động
Từ ngày 20/2/2017, Thông tư 02/2017/TT-BQP do Bộ Quốc phòng ban hành chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo Thông tư này, đối tượng tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được chia làm 6 nhóm, bao gồm:
- Nhóm 1: Người làm công tác chỉ huy, quản lý
- Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động
- Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
- Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm thực hiện theo quy định tại các nhóm 1, 2, 3 và nhóm 5 (bao gồm cả người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp quốc phòng, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; người học nghề, tập nghề, thử việc tại các đơn vị; lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh).
- Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
- Nhóm 6: Người tham gia mạng lưới an toàn, vệ sinh viên (an toàn, vệ sinh viên).
Thời gian huấn luyện lần đầu được quy định như sau:
- Ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đối với nhóm 1, nhóm 4.
- Ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra đối với nhóm 2.
- Ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đối với nhóm 3.
- Ít nhất là 56 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra (Trong đó, thời gian huấn luyện cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn y tế lao động ít nhất là 40 giờ, nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ít nhất là 16 giờ) đối với nhóm 5.
- Ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động đối với nhóm 6.
Quy định mới về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội
Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 11/2/2017.
Theo Thông tư này, có 2 nhóm đối tượng được điều chỉnh tiền lương đóng BHXH.
Với người tham gia BHXH bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH, có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017.
Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với nhóm đối tượng trên được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm X Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017.
Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với những người trên được điều chỉnh theo công thức sau:
Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Theo Thông tư mức điều chỉnh (tiền lương và thu nhập tháng) của năm 2017 là 1,00.
Theo N.MẠNH (BizLive.vn)
Từ khóa : chính sách mới