Doanh nghiệp tăng số lượng nhưng vốn lại “teo”

BizLIVE - "Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở nước ta gia tăng nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc nhận định.

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: "Một trong những thách thức phát triển quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là năng lực còn hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cải thiện năng suất và mở rộng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế".
 
Mặc dù, "số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở nước ta gia tăng nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động. Hội chứng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa “Missing the Middle” đã không được khắc phục", TS. Lộc cho biết. 
 
Theo thống kê, so với việc chỉ có 15.000 doanh nghiệp dân doanh trước năm 2000, đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động đã lên tới 479.000.
 
Biểu đồ tỷ trọng đóng góp vào GDP theo các thành phần kinh tế
 
Tuy vậy, trên thực tế, mức đóng góp của khu vực tư nhân chính thức chưa bao giờ vượt quá 11%. Sau khi giảm từ mức đỉnh điểm ở năm 2008, tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân chính thức đã tăng lên trong 2 năm trở lại đây, song vẫn chưa trở lại mức đỉnh cao từng đạt được trước khi gia nhập WTO.
 
TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, mặc dù nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gấp tới gần 2 lần GDP), tuy nhiên, khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI, tới 70%.
 
"Chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu. Chỉ 6% doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN", ông Lộc cho hay
 
Quy mô lao động nhỏ đi

Khối doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm gần 65% việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi khu vực vốn nước ngoài dù đang phát triển nhanh chóng cũng khó có thể hấp thụ được hết hơn 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động mỗi năm.

Tuy nhiên, vai trò tạo việc làm của khu vực tư nhân chủ yếu là thông qua các doanh nghiệp thành lập mới. Cũng giống như đầu tư, quy mô lao động hiện nay ở mức thấp lịch sử với 17 lao động bình quân mỗi doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra PCI năm nay, có trên 50% doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động (85% có dưới 50 lao động).

Điều tra PCI cũng cho thấy tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn, chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ 14% bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Theo HẠ AN (BizLive.vn)

Từ khóa : VCCI, Doanh nghiệp