ĐHĐCĐ Vissan: Sẽ bán thực phẩm tươi sống qua mạng

BizLIVE - Trong những năm tới, Vissan các định sẽ tái cơ cấu kênh bán hàng, phát triển những sản phẩm mới cao cấp để đẩy mạnh thị phần trên cả nước.
Sáng ngày 11/4/2018, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Vissan, báo cáo cổ đông về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2017 và phương hướng năm hoạt động năm 2018.
Theo đó, năm 2017, nền kinh tế cả nước đạt mức tăng trưởng 6,8%, cao nhất trong 10 năm qua. Đây cũng là năm thuận lợi đối với thị trường bán lẻ, các kênh mua sắm hiện đại cũng duy trì tăng trưởng tốt.
Tình hình chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn, giá heo hơi giảm sâu do sự phát triển thiếu căn cơ ổn định từ các năm trước nên sản lượng cung vượt cầu. Thị trường tiêu thụ thịt heo vẫn chưa khởi sắc, người chăn nuôi tiếp tục chịu thua lỗ.
Thị trường thực phẩm chế biến phục hồi so với cùng kỳ, tăng 7% so với năm trước, tạo cơ hội cho Vissan tăng sản lượng, mở rộng thị phần, đặc biệt là các nhóm hàng xúc xích. Riêng tại khu vực miền Bắc và miền Trung do thiên tai và sự cố liên quan về môi trường nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh tại 2 khu vực này.
Kết thúc năm 2017, Vissan đạt tổng doanh thu 3.899 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch.
Mặt hàng chủ yếu của công ty là thực phẩm tươi sống, trong đó chủ yếu là thịt heo tăng 13%. Về bán thịt heo, đối với kênh hiện đại doanh số của Vissan tăng 19%, kênh nhà hàng tăng 30%. Tuy vậy, kênh chợ truyền thống giảm 20%, nguyên nhân là ở chợ truyền thống Vissan phải chịu thuế VAT, và cạnh tranh về giá.
Về thịt bò, giảm 5%. Trong những năm qua công ty chủ yếu kinh doanh thịt bò Úc và chịu cạnh tranh mạnh từ thịt bò nội địa.
Lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 165 tỷ đồng, tăng 6% so với kế hoạch.
Dự kiến, năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.600 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt 179 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2017.
Công ty dự kiến cung cấp ra thị trường 23.492 tấn thịt heo, 1.509 tấn thịt bò và 19.009 tấn thực phẩm chế biến. Do đó, năm 2018, Vissan sẽ đẩy mạnh bán hàng tại các kênh phân phối hiện đại, cửa hàng tiện lợi, kênh nhà hàng, khách sạn, canteen.
Công ty cũng sẽ nghiên cứu xây dựng mô hình kinh doanh thí điểm kinh doanh trong các chợ truyền thống theo hướng văn minh, sạch sẽ, an toàn.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, năm 2018 về sức mua thực phẩm trên thị trường không có biến động nhiều, nhưng sứt hút đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư.
Về giá heo hơi sẽ có biến động. Ngay đầu năm 2018, giá heo hơi đã tăng rất cao và ảnh hưởng đến hoạt động công ty.
Vissan sẽ phát triển dòng sản phẩm cao cấp có truy xuất nguồn gốc, trong năm 2018 sẽ mở một cửa hàng cao cấp này và làm tiền đề phát triển chuỗi cửa hàng này trong thời gian tới.
Trước đây, mảng thực phẩm tươi sống của Vissan chỉ khu trú mạnh ở TP.HCM, nay công ty đẩy mạnh bán hàng về các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Theo đánh giá của công ty, thị trường nông thôn còn rất tiềm năng cho phát triển sản phẩm chế biến. Công ty sẽ nhắm vào những sản phẩm có giá trung bình, phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn.
Vissan sẽ tái cơ cấu lại và nghiên cứu kênh bán hàng qua mạng, trước hết sẽ triển khai tại TP.HCM, sau đó triển khai ra các thành phố khác.
Thảo luận
Cổ đông: Ngoài việc Vissan có kế hoạch tăng lợi nhuận bằng tăng doanh thu thì công ty có cách nào khác không, chẳng hạn giảm chi phí vì chi phí quản lý doanh nghiệp của Vissan hơi cao?
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan: Để gia tăng lợi nhuận có 2 cách: Tăng doanh thu hay giảm chi phí. Từ lúc Vissan chuyển đổi sang công ty cổ phần thì công ty tập trung rất mạnh vào giảm chi phí. Nếu so sánh với những công ty tương đồng thì những công ty này có chi phí nhỏ hơn Vissan.
Tại sao chi phí quản lý của Vissan tới 7,7%? Theo báo cáo tài chính năm 2017, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 165 tỷ đồng, chi phí cao do công ty phải định giá lại giá trị, lợi thế thương mại gần 179 tỷ đồng và phân bổ trong 3 năm, mỗi năm gần 60 tỷ đồng được tính vào chi phí.
Thực tế, lợi nhuận năm 2017 của Vissan cao hơn con số 165 tỷ đồng. Công ty đã trích 1 phần để xử lý vấn đề cho thôi việc tới 32 tỷ đồng và trích 20 tỷ đồng cho quỹ khoa học phát triển. Do đó, chi phí tăng cao là những chi phí này.
Cổ đông: Dự án Long An thì tiến độ thế nào? Việc chuyển nhà máy về Long An thì khu đất của công ty tại TP.HCM có phương án gì không?
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan: Thời gian qua, Vissan đã lựa chọn ký kết các gói thầu để triển khai xây dựng nhà máy quy trình giết mổ 360.000 con/năm. Thời gian dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động năm 2019.
Do đó, khu đất tại địa chỉ số 420 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM là tài sản không được giao cho Vissan khi thực hiện cổ phần hóa, mà là của công ty mẹ (Satra). Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ không phải là của Vissan.
Cổ đông: Chúng tôi có tham gia IPO của Vissan năm 2016. Theo lộ trình sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ của Satra tại Vissan xuống, nhưng hiện nay chưa thấy giảm. Lãnh đạo công ty cho biết thêm?
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan: Tỷ lệ Satra đang nắm giữ vốn tại Vissan là 67,74%. Theo lộ trình thoái vốn, những tháng đầu năm 2018 Satra đã nhận văn bản của UBND TP.HCM và Bộ Tài chính về việc tạm ngừng thoái vốn đối với những công ty có vốn Nhà nước. Đây là chủ trương chung của TP.HCM nên chúng ta tiếp tục chờ chỉ đạo.
Cổ đông: Kênh phân phối hiện đại thì hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã mở nhiều như Vinmart hay Coopfood... như vậy sẽ có ảnh hưởng tới kênh phân phối của Vissan không?
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan: Hiện nay, Vissan bán 2 mặt hàng tươi sống và chế biến. Mặt hàng tươi sống bán chủ yếu tại TP.HCM. Vissan dự kiến mở thêm 5 cửa hàng nữa để mở rộng kênh phân phối, hiện thị phần tại TP.HCM khá tốt.
Về mặt hàng chế biến hiện có 128 nhà phân phối và trên 130.000 điểm bán trên cả nước. Tại TP.HCM có 40 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, trước đó có 100 hàng nhưng công ty đã rà soát lại những cửa hàng không hiệu quả và cho đóng cửa.
Theo HOÀNG ANH (BizLive.vn)
Từ khóa : vissan, thực phẩm tươi