Lạm phát năm 2018 có thể vượt mức 4%

BizLIVE - Nếu giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ lên mức 65 USD/thùng theo như dự báo mới nhất của World Bank, lạm phát năm 2018 có thể tăng 4-4,1% so với cùng kỳ.
CPI tháng 5 tăng cao đột biến 0,55% so với tháng trước (mức cao nhất trong 6 năm qua), tăng 1,61% so với đầu năm và tăng 3,86% so với cùng kỳ.
Như vậy CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 3,01% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng 1,37% so với cùng kỳ.
CPI tháng 5 tăng cao chủ yếu do giá thực phẩm và xăng dầu tăng mạnh.
Cụ thể, giá thịt lợn tăng cao sau 1 thời gian dài giảm khiến giá thực phẩm tăng 1,2% so với tháng trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng 0,25 điểm %; giá xăng tăng 2 lần trong tháng khiến giá xăng dầu tăng 3,68% so với tháng trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng 0,16 điểm %.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), lạm phát 5 tháng đầu năm nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát.
Giá thực phẩm trong năm 2018 được dự báo sẽ tăng trở lại ở mức tương đương năm 2016, tác động làm CPI tổng thể tăng 0,5-0,8 điểm %, song rủi ro lớn nhất đối với vấn đề kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 chính là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến. Do đó, tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể được dự báo sẽ lớn hơn so với năm 2017.
Theo tính toán của NFSC, nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17-20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (đạt mức 60-62 USD/thùng) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8 % so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nếu giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ lên mức 65 USD/thùng theo như dự báo mới nhất của World Bank, sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 8-10% so với năm trước, theo đó, lạm phát năm 2018 có thể tăng 4-4,1% so với cùng kỳ.
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cũng cho rằng, năm nay áp lực tăng lạm phát cao hơn so với năm ngoái. Do đó, Việt Nam cần phải rất khéo kiểm soát.
Lý giải về nhận định này, TS. Lực cho rằng, về yếu tố bên ngoài, giá hàng hoá nhiên liệu đã tăng khá nhanh, như giá dầu brent từ đầu năm tới nay đã tăng khoảng 24%.
Về yếu tố nội tại bên trong, năm nay dự kiến Việt Nam cũng sẽ tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản. Cuối năm ngoái giá điện đã được điều chỉnh tăng, sang năm nay giá xăng dầu cũng điều chỉnh theo, tháng 5 vừa rồi điều chỉnh 2 lần, một số mặt hàng khác khác như y tế giáo dục cũng sẽ được điều chỉnh tăng.
Trong khi đó, áp lực đối với tỷ giá cũng ở mức độ cao hơn so với năm ngoái. Năm ngoái đồng USD đã mất khoảng gần 10% nhưng từ đầu năm tới nay, đồng tiền này đã tăng khoảng 1,8%, điều này tạo ra áp lực đối với tỷ giá USD/VND.
“Việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cũng như tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tương đối khả quan sẽ kéo theo khả năng USD năm nay tăng giá thay vì mất giá như năm ngoái, gây áp lực cho đồng VND. Do đó, tôi cho rằng, năm nay nếu chúng ta giữ được lạm phát ở mức 4% đã là rất thành công rồi”, TS. Lực cho hay.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cũng cho rằng, 2018 sẽ là năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, việc kiềm chế tốc độ tăng CPI cần rất nhiều nỗ lực từ Chính phủ và các bộ, ban ngành.
“Vì tình hình giá cả hàng hóa thế giới cho thấy giá dầu đang có xu hướng tăng mạnh, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ mới có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% như kế hoạch đề ra”, ông Phong cho hay.
Theo chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, Chính phủ cần theo dõi và kiểm soát sự tăng giá các mặt hàng hằng tháng. Kiểm soát chặt những mặt hàng cơ bản tác động đến giá các hàng hóa khác như: dầu, điện, than.
Đặc biệt, với những mặt hàng trong nước sản xuất được, chủ động được, đó là nông sản chiếm trọng số cao trong chỉ số giá, Chính phủ cần có biện pháp chủ động kiểm soát và điều tiết cân đối các mặt hàng, không để tình trạng thừa thiếu nhất thời tác động tâm lý tạo cơ hội tăng giá…
Theo TRẦN THÚY (BizLive.vn)
Từ khóa : lạm phát, GDP