Kinh doanh chuỗi cửa hàng: Cơ hội hay thách thức

(NTD) - Người tiêu dùng có nhu cầu cao trong việc thụ hưởng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, bắt kịp xu hướng thế giới. Đó là lý do cho sự tăng trưởng mạnh của mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức đối với cơ quan chức năng quản lý về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.

Xu hướng hình thành hệ thống các chuỗi cửa hàng

Ông Trần Trọng Huy Thông - Giám đốc Marketing Miniso Việt Nam cho biết: “Mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh các loại hàng hóa mỹ phẩm tiêu dùng và thiết kế theo phong cách thời trang đang phát triển với tốc độ rất nhanh và rất sôi động tại thị trường Việt Nam, với hàng loạt những thương hiệu đẳng cấp thế giới đến Việt Nam, trong đó có Miniso”.

Chuyển dịch thị trường?

Việc kinh doanh theo chuỗi cửa hàng mang đến những mặt tích cực cho thị trường Việt Nam. Người tiêu dùng được hưởng lợi trong việc lựa chọn địa điểm mua sắm cũng như sản phẩm; đồng thời, góp phần tăng doanh thu và mang lại nhiều khởi sắc cho ngành hàng bán lẻ Việt Nam.

Nắm bắt được tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng Việt, hiện nay hầu hết các chuỗi cửa hàng, chi nhánh bán lẻ đều quảng bá các sản phẩm của mình là hàng có nguồn gốc nước ngoài như Mumuso với quảng cáo là sản phẩm Hàn Quốc, Miniso với các mặt hàng theo tiêu chuẩn Nhật Bản…Tuy nhiên, việc quảng cáo các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài gây ra nhiều hiểu lầm cho khách hàng. Bên cạnh đó, giá thành các mặt hàng nhập khẩu tại các cửa hàng này thường cao hơn so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống.

Chỉ trong tháng 7/2018 theo Cục Quản lý Thị trường (CQLTT) (Bộ Công thương) đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều công ty kinh doanh mặt hàng bán lẻ vi phạm về chất lượng, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Điển hình, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (gọi tắt là Mumuso Việt Nam) đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Nghị định 185. Bộ Công thương đã kết luận, có đến 2.257 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc và không có nguồn gốc Hàn Quốc như quảng cáo được bày bán ngay tại các chuỗi cửa hàng này.

Gần đây nhất là sự việc Công ty Con Cưng bị khách hàng “tố” cắt tem nhãn, thay vào đó là tem “Made in Thailand” và phải thu hồi khoảng 4.000 sản phẩm lỗi trong tổng số 9.000 sản phẩm đang bán tại cửa hàng. Tuy nhiên, trên website của công ty này cho rằng các sản phẩm của họ có chứng nhận bảo đảm nguồn gốc và chất lượng đồng thời khẳng định: “Con Cưng có toàn bộ chứng nhận sản phẩm được sản xuất với 100% nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan và các nước ASEAN được cấp bởi Sở Ngoại thương (Department of Foreign Trade) trực thuộc Bộ thương mại Thái Lan (Ministry of Commerce)”.

CQLTT đã và tiếp tục tiến hành thanh tra hàng loạt cửa hàng của Con Cưng trong địa bàn TP.HCM và nhận thấy nhiều sai phạm trong các mặt hàng được bán tại đây không có chứng minh nguồn gốc rõ ràng.

Ông Kiều Nghiệp - Trưởng phòng chống hàng giả, CQLTT cho biết: “Phương thức thủ đoạn, tình trạng in giả tem nóng bao bì gần đây rất nóng, hàng giả, hàng nhái không chỉ ở thành thị mà nông thôn cũng phổ biến, tình trạng nhập bao bì ở nước ngoài về Việt Nam dán nhãn cũng phổ biến”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi một sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam phải trải qua nhiều khâu kiểm duyệt, nhưng khi về đến các kênh bán lẻ vẫn xảy ra những sai phạm về nguồn gốc cũng như là chất lượng.

Vậy tại sao lại xảy ra các trường hợp về nguồn gốc chất lượng sản phẩm? Và cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm trong các trường hợp vi phạm xảy ra?

Tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng (CAGR) của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 được dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, đạt 8%. Muốn tỷ lệ tăng trưởng tăng thì các doanh nghiệp đua nhau tung ra thị trường sản phẩm thu hút, nhưng lại không có trách nhiệm trong việc bảo đảm và kiểm soát chất lượng nguồn gốc sản phẩm của mình, dẫn đến càng nhiều các sai phạm bị phát hiện. Vậy con số trên tăng trưởng có là tín hiệu đáng mừng?

Tuy nhiên không vì thế có thể đổ trách nhiệm lên phía nhà sản xuất. Việc không quản lý rà soát, kiểm tra rõ ràng các mặt hàng của doanh nghiệp là điều không thể chấp nhận.

Việc người tiêu dùng chuộng và hình thành thói quen mua sắm hàng ngoại hơn và ít tin tưởng hàng Việt cũng là nguyên nhân cốt lõi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, dẫn đến những sai phạm không đáng có về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Viết Hồng (Tổng thư ký Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM) cho hay: “Người tiêu dùng cần cập nhật thông tin với các địa chỉ đáng tin cậy thông qua các đơn vị uy tín, không mua hàng trôi nổi, cần yêu cầu cấp hóa đơn chứng từ nguồn gốc để tự bảo vệ quyền lợi bản thân.”

 Hoàng Uyên - Mỹ Triều - Liên Nguyễn

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : chuỗi cửa hàng