Mục tiêu chiến lược đầy tham vọng của ngành ngân hàng

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước thông tin Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cho thấy những mục tiêu đầy tham vọng.

Ngành ngân hàng đang khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt
Theo Ngân hàng Nhà nước, ngày 8/8/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số Quyết định 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu trải rộng trên nhiều mặt
Các mục tiêu bao trùm từ việc hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, trong đó cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng, nâng cao công tác thanh tra giám sát, đảm bảo chất lượng hoạt động của các ngân hàng, cho đến giải quyết những thách thức trong nền kinh tế như tình trạng đô la hóa, thanh toán dùng tiền mặt hay khả năng khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng từ phía khách hàng.
Cụ thể, yêu cầu tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của NHNN về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Với việc các ngân hàng trung ương lớn hiện nay trên thế giới đều có tính độc lập so với bộ máy Chính phủ, thì mục tiêu đặt ra cho thấy NHNN sẽ định hướng hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế.
Để giải quyết bài toán đô la hóa nền kinh tế, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/ tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/ tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Về vấn đề này, NHNN thời gian qua đã đạt một bước tiến khá lớn, khi từ cuối năm 2015 đã đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%, khuyến khích dòng vốn chuyển dịch từ tiền gửi ngoại tệ sang VNĐ. Đối với hoạt động cho vay, theo kế hoạch sẽ chấm dứt cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ chậm nhất vào cuối năm nay.
Mục tiêu thứ 3 là tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng (TCTD); đến cuối năm 2025, thanh gia, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắt giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.
Rõ ràng với việc hàng loạt sai phạm trong ngành ngân hàng được đưa ra xét xử gần đây, trong khi các công ty con trực thuộc ngân hàng, đặc biệt là các công ty tài chính gây ra những hậu quả gây bức xúc gần đây thì có thể nói công tác thanh tra còn rất nhiều hạn chế khi không thể kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm nghiêm trọng.
Cùng với đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai cách đây không lâu, trong chiến lược phát triển ngân hàng lần này cũng đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%. Đây là mục tiêu khá sát với thực tế khi tỷ lệ tiền mặt hiện lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán cập nhật gần nhất đến cuối tháng 4/2018 là 12,75%.
Mục tiêu thứ 5 là tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các TCTD cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thông, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Quan trọng nhất vẫn là hệ thống TCTD
Mục tiêu thứ 6 – có thể xem là quan trọng nhất, đó là phát triển hệ thống các TCTD phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn, xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo. Cụ thể giai đoạn 2018 - 2020 sẽ tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn vói trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp theo cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, hoạt động lành mạnh.
Về mục tiêu này, trước đó hồi tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt đề án “cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”. Và gần đây nhất tại Diễn đàn M&A 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã đề cập đến việc chuyển giao, bán lại các TCTD mua 0 đồng và kiểm soát đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đến năm 2020 đặt mục tiêu có ít nhất 12 - 15 ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng thành công Basel 2 phương pháp tiêu chuẩn trở lên; có ít nhất từ 1 - 2 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á. Ngoài ra, yêu cầu các ngân hàng phải tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập lên khoảng 12 - 13%; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Đối với công tác xử lý nợ xấu, mục tiêu đáng chú ý là đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%, tuy nhiên không bao gồm các NHTM yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý.
Và cuối cùng là phấn đấu đến năm 2025 phải có ít nhất từ 2 - 3 NHTM nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á và 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Tất cả các NHTM đều áp dụng được Basel II, cũng như tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng lên 16 - 17% và nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD về dưới 3%.
Ngoài ra 2 mục tiêu cuối cùng bao gồm tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội thúc đẩy phá triển tín dụng xanh, tăng tỷ trọng vốn cho các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các dự án phát triển bền vững, biến đổi khí hậu... Và cuối cùng là từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : ngân hàng, tiền tệ