Mở đường thông thoáng cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo

Mới đây,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP, bãi bỏ Nghị định 109 năm 2010, giúp cởi trói cho việc kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo đó, Nghị định 107 quy định các doanh nghiệp được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng được yêu cầu: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ; kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh nêu trên có thể thuộc quyền sở hữu hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê bằng văn bản theo quy định của pháp luật với thời hạn thuê tối thiểu 5 năm. 

Nghị định 107 đã mở ra quy định thoáng hơn khi Nghị định 109 cũ yêu cầu khó khăn hơn, yêu cầu doanh nghiệp phải có quy mô kho chứa tối thiểu 5.000 tấn và công suất cơ sở xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ cũng như phải sở hữu riêng kho chứa và cơ sở xay, xát.

Bên cạnh đó, Nghị định 107 cũng mở đường đối với những thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng khi cho phép không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.

Khi thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu, các thương nhân trên chỉ cần xuất trình cho cơ quan hải quan bản chính hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền văn bản xác nhận, chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc chứng thư giám định gạo xuất khẩu do tổ chức giám định cấp theo quy định của pháp luật về việc sản phẩm gạo xuất khẩu phù hợp với các tiêu chí, phương pháp xác định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế hướng dẫn.

Trước đó, nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cũng đã có nhiều ý kiến, kiến nghị bãi bỏ một số điều kiện với xuất khẩu gạo trong Nghị định 109, đặc biệt là các điều kiện như có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, ít nhất 1 cơ sở xay, xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.

Theo các chuyên gia, việc đặt ra quy định như trên là không phù hợp với kinh tế thị trường, tạo thêm cho doanh nghiệp chi phí rất lớn để khởi nghiệp, hạn chế tính năng động, sáng tạo của người dân cũng như các doanh nghiệp nhỏ.

Vì vậy, Nghị định 107 ban hành đã giúp cởi bỏ những yêu cầu khắt khe của nghị định cũ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường đầy tiềm năng này.

ANH DŨNG

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : xuất khẩu gạo