Kuala Terengganu: Thiên đường biển bị bỏ quên

Quay lại Malaysia vào một ngày tháng 6, hai chuyến bay nối tiếp đưa tôi thẳng đến thành phố ven biển Terengganu, nơi tôi có rất nhiều trải nghiệm có tên “lần đầu tiên”…

Đến Kuala Terengganu trong khuôn khổ Lễ hội câu mực quốc tế (Terangganu International Squid Jigging Festival 2015), tôi có dịp cùng bạn bè từ khắp 50 nước trên thế giới lên tàu ra biển câu mực. Dù không ít lần đi biển, quê ngoại tôi cũng ở biển, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi đi theo thuyền câu mực của ngư dân nước bạn ra khơi.

Những con thuyền hăng hái rẽ sóng trong chiều tà để lại bờ dần xa, tôi và những người bạn chung đội đến từ Mỹ, Nga, Hà Lan… có cùng một niềm hào hứng. Chúng tôi sôi nổi giăng những dây câu xuống biển và giật (jigging) sợi dây liên hồi để gọi mời những chú mực ham mồi kéo đến. Những ngư dân lần này nhường hẳn nhiệm vụ câu mực cho chúng tôi.

Thế nhưng, một tiếng, hai tiếng trôi qua, chẳng con mực nào cắn câu cả. Thế mới biết, ngồi trên thuyền lênh đênh, sóng biển dập liên hồi và liên tục “jigging” mới thấm sự vất vả và sự nhẫn nại của những ngư dân vùng biển để có những chuyến trở về cá, mực đầy khoang. 

Những đoàn thuyền câu mực cùng tiến ra khơi 

Tầm 10 giờ đêm, chúng tôi trở về đảo Redang. Thành quả lao động suốt 5 tiếng đồng hồ của 15 chiếc thuyền câu là những con mực tươi còn óng ánh, nhưng vì là ngư dân nghiệp dư nên mỗi thuyền chỉ câu được 2-3 con. Những đầu bếp của khu nghỉ dưỡng Laguna Resort Jetty đã nhóm sẵn than để chờ “chiến lợi phẩm” của chúng tôi và không quên chuẩn bị rất nhiều món hải sản khác cho một bữa tiệc nướng ngoài trời tuyệt vời.

Quả thực, đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món mực nướng tươi ngon đến thế, vị ngọt thấm trong từng thớ thịt vừa dai vừa giòn hòa cùng mùi thơm của mực mới nướng, lại là thành quả tự câu được, nên tuy ít nhưng mực nướng lại thành món ngon chủ đạo. Và dư vị ấy, đến bây giờ vẫn còn hiển hiện.

Không kém phần thú vị so với cuộc thi câu mực “xuyên màn đêm”, tôi và những người bạn mới có một trải nghiệm hấp dẫn với trò lặn bắt nghêu tại Setiu. Khác với những chú nghêu thường thấy, nghêu ở đây có lướp vỏ xà cừ nâu bóng rất đẹp. Những chiếc xuồng máy chở chúng  tôi dọc theo kênh rạch ra xa, dọc hai bên là những rặng dừa nước làm tôi liên tưởng đến miền Tây sông nước quen thuộc. Cũng vì thế, tôi nghĩ dòng nước sẽ đục phù sa nên hơi ngần ngại khi tham gia vào hoạt động mới này. Nhưng không, nước ở đây trong xanh có thể nhìn thấy đáy, khiến tôi bỏ quên sự e dè và trở nên vô cùng hào hứng với việc mò nghêu. Dưới chân là cát mịn, nước dập dềnh ngang hông, lò dò mò nghêu bằng cả tay và chân, thi thoảng chạm phải một vật vừa bóng, cầm lên nằng nặng, loang loáng cùng mặt nước buổi chiều, làm tôi mê mẩn không muốn về xuồng, mặc cho bạn bè vẫy gọi. Không phải lo sợ những cơn say sóng, lại dò được những chỗ chỉ cần đứng yên mà mò được cả chục chú nghêu vừa to vừa đẹp nên đây là hoạt động khiến tôi phấn khích nhất trong chuyến đi này. 

Những chiếc xuồng nhỏ chở mọi người ra doi cát mò nghêu

Một ngày khác, tôi có dịp đến thăm những chú voi ở khu bảo tồn voi Kenyir Elephant Village. Đây là nơi bảo tồn voi lớn nhất tại Malaysia. Những chú voi ở đây được tạo lập môi trường sống gần với thiên nhiên nhất: rừng núi bao quanh, những dòng suối nhỏ, không nuôi nhốt, khách tham quan đi trên những cầu treo trên cao để quan sát đời sống sinh hoạt của loài voi… Hôm đến đó, tôi được xem những chú voi biểu diễn như một một màn giao lưu, chào hỏi thú vị. Những chú voi con nhiệt tình đội nón, hôn và “pose” hình cùng mọi người theo kiểu vừa cười vừa nhấc một chân, hồn nhiên hệt những đứa trẻ.

Khu bảo tồn voi Kenyir Elephant Village
Những chú voi hào hứng làm động tác chào mọi người 

Sau màn biểu diễn, tất cả những chú voi lớn bé đều được những người quản tượng đưa xuống suối tắm, trông chúng lúc đó vô cùng thích thú. Một hình ảnh thú vị mà tôi được dịp thấy, chú voi già biết khóc mà suốt buổi biểu diễn, không hiểu vì lý do gì, chú chảy nước mắt liên tục, mặt rất buồn, giờ được Giám đốc khu bảo tồn mình trần dắt chú xuống suối tắm, vừa kỳ cọ vừa vuốt ve, dỗ dành nên gương mặt chú trông như vui trở lại…

Để hiểu nét văn hóa của một vùng, bạn nên đến chợ. Chẳng nhớ ai đã nói điều đó, nhưng tôi thấy hoàn toàn đúng. Hình ảnh những cụ già móm mém, đầu đội khăn, mặc trang phục truyền thống của phụ nữ đạo Hồi, trước mặt cụ bày bán đủ thứ những sản vật địa phuơng, vài loại cá khô lèo tèo, vài nhành  hoa màu đỏ cam chỉ có ở vùng này, một vài quả chanh, một hai nhúm ớt, một đống xoài nhỏ, vài loại rau đặc trưng hay một cụ khác chỉ bán một vài loại gia vị trong những chiếc túi rất nhỏ, một góc khác lại có cụ bán rất nhiều chuối, những nải chuối đã chín vàng ươm, thậm chí có vài nải đã chuyển màu lốm đốm… khiến tôi nghĩ đến từ “chợ quê”, gợi lên nét thuần phác của người dân xứ đảo, nơi cuộc sống dù đã phát triển nhưng bản sắc địa phuơng vẫn đậm đà. Tôi chẳng mua được gì từ cái góc “chợ quê, mẹ quê” của các bà, nhưng tôi muốn ghi lại hình ảnh ấy, các bà không hiểu tiếng Anh, nhưng biết tôi chụp, bà nào cũng cười rất vui, một nụ cười rất hiền…

Những người dân địa phương với nụ cười thân thiện, hiền lành

Cả chuyến đi, tôi có rất nhiều trải nghiệm với biển, và Terengganu đã xóa mọi định kiến về biển của Malaysia trong tôi. Vì những vùng biển với nhiều sắc thái xanh ngắt, xanh màu ngọc lục bảo, xanh trong… nơi đây quả thực khiến tôi cảm thấy “nhìn thôi không đã”. Vậy nên, đến giờ, tôi vẫn còn tiếc nuối khi bỏ qua hoạt động snorkeling (lặn với ống thở) để tận mắt nhìn những chú cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng ở đảo Redang.

Biển trong xanh và cát trắng mịn ở đảo Redang

Sẽ chẳng thể kể hết trải nghiệm tôi thu lượm được chỉ trong một bài viết. Khép lại, tôi giữ cho mình nét hiền lành, giản dị, có đôi phần khắc khổ, nhưng rất cởi mở, thân thương của người dân nơi đây. Và chắc chắn, tình yêu của tôi dành cho xứ đảo nước bạn, dành cho Malaysia sẽ còn nối dài, nối dài…

Theo PV (khampha.vn)

Từ khóa : Kuala Terengganu,Malaysia