Thu hút FDI 2016: vượt qua chính mình

(DĐDN) – Một làn sóng FDI mới mạnh hơn có thể sẽ tràn vào VN trong năm 2016, khi nền kinh tế được mở cửa rộng hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng để trở thành điểm hấp dẫn nhất khu vực về thu hút FDI thì còn nhiều việc phải làm.

Thông tin về dự án khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung tại TPHCM tăng thêm 600 triệu USD vào những ngày cuối năm này có thể coi là cái kết đẹp cho một năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN. Nếu như tính cả số vốn tăng thêm của dự án Samsung này, thì tổng vốn đăng ký FDI trong năm nay chắc chắn đã hơn 23 tỷ USD. Nhưng chỉ cần tính đến ngày 20/12 như công bố của Cục Đầu tư nước ngoài thì vốn đăng ký FDI cũng đã đạt 22,76 tỷ USD, cho cả các dự án đầu tư mới và mở rộng, tăng 12,5% so với năm 2014. Số vốn giải ngân còn ấn tượng hơn và lập kỷ lục mới khi đạt 14,5 tỷ USD, tăng tới 17,4% so với cùng kỳ.

Trước đó, tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, Shinsegae cũng đã khai trương đại siêu thị đầu tiên với tên gọi Emart tại TPHCM, chính thức hiện diện tại thị trường VN.

Ông Choi Kwang Ho – Giám đốc Emart VN cho biết, dự án đầu tiên này có diện tích 3 ha và được đầu tư với chi phí khoảng 60 triệu USD. Sau 5 năm khảo sát, tập đoàn mẹ đã xác định VN là thị trường đầu tư trọng điểm ở nước ngoài. Không những thế, Shinsegae cũng sẽ coi VN như một bàn đạp để tiến chân vào thị trường Đông Nam Á.

Lợi thế …

Trong lần chia sẻ với báo chí gần đây, ông Glenn Maguire – Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ cho rằng VN đang là sự lựa chọn hàng đầu để đầu tư của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Thực tế thì dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào VN đã có chiều hướng gia tăng trong 3 năm trở lại đây, nhưng theo ông Maguire thì nó sẽ mạnh mẽ hơn từ năm 2016 vì những hiệp định thương mại quan trọng mà VN đàm phán trước đây đã kết thúc đàm phán hoặc đã được ký kết. “Trước đây nhiều tập đoàn nước ngoài quan tâm nhưng vẫn nghe ngóng, nhưng giờ thì mọi chuyện đã rõ, các FTA đã hoàn tất và họ sẽ xúc tiến việc đầu tư” – ông Glenn khẳng định.

Với FTA, đặc biệt là việc thành lập thị trường chung ASEAN, sẽ tạo thuận lợi cho hàng hóa sản xuất từ VN xuất sang nhiều thị trường lớn trên thế giới dễ dàng hơn, không bị áp mức thuế nhập khẩu cao. Trong đo, có những thị trường lớn như Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản và cả Nam Mỹ. Lợi thế đó đã biến VN thành một cứ điểm sản xuất mới trên thế giới, bên cạnh Trung Quốc. Tất nhiên, các tập đoàn đa quốc gia luôn là những người dẫn dắt làn sóng đầu tư. Ngoài các dự án lớn của Samsung ra, Jabil Circuit (Mỹ) – một tập đoàn đa quốc gia sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử – trong năm nay cũng đã tuyên bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD để mở rộng công suất của nhà máy tại VN. Ông Alessandro Parimbelli, Phó chủ tịch cao cấp kiêm TGĐ điều hành của Jablil cho rằng mở rông đầu tư tại VN sẽ tận dụng được nguồn lao động và cả những người quản lý và kỹ sư cấp trung. Cùng với Jabil, Compal – tập đoàn có trụ sở tại Đài Loan và hiện đang gia công theo hợp đồng cho Apple, năm ngoái cũng đã tuyên bố sẽ chuyển nhà máy sản xuất điện thoại từ Trung Quốc vào VN.

Nếu những kế hoạch đầu tư mở rộng của các tập đoàn như Samsung, Jablil hay Compal được thực hiện thì chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến việc thu hút nhiều dự án khác, bởi theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn đầu tư nước ngoài, cứ mỗi một dự án quy mô lớn của tập đoàn đa quốc gia xuất hiện, sẽ có nhiều dự án nhỏ hơn đi theo vào VN. Cy tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield cách đây vài tháng cũng đã công bố bảng xếp hạng “Điểm dừng chân cho các nhà sản xuất năm 2015”, trong đó xếp VN ở vị trí đầu tiên trong số các quốc gia mới nổi thu hút ngành sản xuất. Trong bảng xếp hạng của mình, Cushman & Wakefield cho rằng các dự án sản xuất hàng tiêu dùng nhanh sẽ bùng nổ ở VN nhờ vào các cơ hội đến từ thị trường bán lẻ.

Và hành động…

Lợi thế thu hút FDI của VN đã rõ, ngoài chi phí rẻ, quy mô thị trường tiềm năng thì còn là một nền kinh tế hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế, VN vẫn chưa phải là quốc gia thu hút FDI tốt nhất trong khu vực, mà là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và bên cạnh vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới – Trung Quốc. Ngoài ra, những nước như Myanmar hay Campuchia cũng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài để ý đến và thực tế những quốc gia này cũng đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Vậy làm thế nào để tận dụng được những lợi thế đang có và thu hút nhiều hơn các dự án đầu tư nước ngoài ?
Ông Steve Plunkett, Giám đốc cấp cao phụ trách quan hệ Chính phủ của tập đoàn GE tại ASEAN, đánh giá VN là một điểm đầu tư lý tưởng, với lực lượng lao động lớn, vị trí thuận tiện. Chính điều này đã thu hút GE đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất tuốc-bin gió tại Hải Phòng cách đây 8 năm. Nhưng ông Plunkett cũng cho rằng rủi ro đầu tư ở VN sẽ đến từ việc các văn bản pháp lý chưa chặt chẽ. Nếu điều này không được cải thiện, nguy cơ VN sẽ kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ trong khu vực sẽ thành hiện thực.

Phải nói thẳng rằng rủi ro về chính sách không phải là điều mới với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại được cải thiện rất chậm. Ông Hong Sun – Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc cho rằng VN rất tích cực hội nhập vào nền kinh tế thế giới, thông qua các FTA, nhưng lại rất chậm trong cải cách chính sách và thủ tục hành chính. Mặt khác, thừa nhận là đang có một làn sóng nhà đầu tư Hàn Quốc hướng vào VN, nhưng ông cho rằng làn sóng này còn có thể lớn hơn, nếu môi trường kinh doanh được cải thiện tốt hơn. “Cũng không cần phải làm gì khác, mà VN chỉ cần thực hiện quá trình cải cách hiện tại tốt hơn, biến những lời nói thành hành động mạnh mẽ hơn” – ông Hong Sun nói.

Điều này cũng giống như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh từng nói trong cuộc đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài hồi tháng 9, đối thủ lớn nhất trong cuộc đua thu hút FDI của VN chính là vượt qua chính mình.

Theo Ninh Kiều (enternews.vn)

Từ khóa : FDI