Dấu hiệu xấu từ thị trường chứng khoán Trung Quốc

(DĐDN) – Ngày khởi đầu năm mới trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đón nhận một làn sóng bán tháo mạnh mẽ, khiến cơ quan chức năng buộc phải ngừng hoạt động giao dịch ngay trong ngày, sau khi chỉ số CSI 300 giảm 7% và chỉ số Shanghai Composite giảm 6,9%.
![]() |
Sắc đỏ bao trùm trong ngày đầu năm 2016 trên thị trường chứng khoán Trung Quốc |
CSI 300 là chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A (những cổ phiếu được giao dịch bằng nhân dân tệ) được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
Hoạt động sản xuất sụt giảm
Theo cơ chế mới chính thức có hiệu lực từ phiên 4/1/2015, nếu như chỉ số CSI 300 giảm hơn 5%, thị trường cổ phiếu, quyền chọn và chỉ số tương lai sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút. Với mức giảm hơn 7%, thị trường sẽ đóng cửa sớm trong phiên hôm đó.
Mikey Hsia – một giao dịch viên tại Sunrise Brokers LLP ở Hong Kong cho biết, chiếc “cầu chì” nói trên đã hoạt động trơn tru và không có sự cố kỹ thuật nào. Khoảng 595 tỷ nhân dân tệ (89,9 tỷ USD) cổ phiếu đã được giao dịch trao tay trên thị trường chứng khoán đại lục trước khi ngừng giao dịch, so với bình quân 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2015, theo số liệu của Bloomberg.
Số liệu mới được công bố cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc sụt giảm tháng thứ 5 liên tiếp và giới đầu tư dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các cổ đông lớn bán ra cổ phiếu, thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Theo thống kê chính thức được Trung Quốc công bố dịp đầu năm 2016, chỉ số hoạt động của ngành công nghiệp (PMI) trong tháng 12/2015 đạt gần 49,7 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ ba năm qua. Tuy nhiên, chỉ số này có tăng được 0,1 điểm so với kết quả hồi tháng 11/2015.
Như vậy, đây là tháng thứ 5 liên tiếp các hoạt động trong khu vực công nghiệp tại “công xưởng của thế giới” tiếp tục bị thu hẹp lại và rơi xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009 tới nay. Chỉ số PMI đạt dưới ngưỡng 50 điểm có nghĩa là hoạt động trong ngành liên quan bị sa sút. Đáng lo ngại hơn cả là ngành công nghiệp Trung Quốc dù yếu kém, nhưng vẫn còn cầm cự được ở mức dưới 50 điểm nói trên, chủ yếu là nhờ chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ và các biện pháp bơm tiền vào khu vực kinh tế của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ, tăng cường ngân sách nhà nước để hỗ trợ khu vực sản xuất, tiếp tục áp dụng các biện pháp kích cầu và khuyến khích đầu tư, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% như đã đề ra.
Cổ phiếu của các Cty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hongkong – nơi không có cơ chế ngừng giao dịch – tiếp tục giảm điểm sau khi thị trường đại lục ngừng giao dịch. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index giảm 4,1% vào lúc 14h12 giờ địa phương.
Ông Castor Pang – chuyên gia nghiên cứu trưởng tại Core-Pacific Yamaichi Hong Kong cho rằng, cơ chế mới sẽ làm gia tăng áp lực bán ra do nhà đầu tư đang sử dụng thị trường Hong Kong để phòng vệ.
Viễn cảnh kinh tế toàn cầu
Hòa chung với đà giảm điểm của chứng khoán Trung Quốc, chứng khoán châu Á cũng hướng đến phiên giảm điểm mạnh nhất trong 3 tháng, nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm hầm trú ẩn an toàn giữa những dấu hiệu mới về đà suy giảm của kinh tế Trung Quốc và căng thẳng ở Trung Đông leo thang.
Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương ngày 4/1/2016 giảm 1,7%, xuống còn 129,69 điểm. Kết thúc phiên sáng, chỉ số Topix của Nhật Bản giảm hơn 3%, Kospi của Hàn Quốc giảm 1,4% và Straits Times của Singapore cũng giảm 1,6%.
Có thể nói, sự khởi đầu năm mới 2016 không thể tệ hại hơn của thị trường chứng khoán Trung Quốc, cùng với những chỉ số yếu kém của nền kinh tế, không chỉ ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán khác, mà còn khiến cho viễn cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đảm hơn.
Trước đó Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo năm 2016 sẽ tiến triển hơn một chút so với năm nay, nhưng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,6% xuống 3,3%. Tổ chức kinh tế phi lợi nhuận The Conference Board thậm chí còn đưa ra con số bi quan hơn là 2,8%, và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc sửa đổi này.
Sau hàng thập kỷ tăng trưởng theo hướng xuất khẩu và đầu tư, nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại với tốc độ tăng GDP đạt thấp hơn 7%/năm. Nền kinh tế này đã có những biến động rất lớn trên thị trường chứng khoán trong năm qua. Thêm vào đó, đồng Nhân dân tệ mất giá, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm cùng lo ngại ngày càng tăng về nợ xấu cũng là những vấn đề nan giải của Trung Quốc.
Một số nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc đang chuyển từ một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh thành một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn. Sẽ cần ít nhất 2-3 năm để nền kinh thế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng ổn định. Không may, điều này không có lợi cho thị trường và năm 2016 sẽ có nhiều biến động.
Rõ ràng, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy năm 2016 vẫn là năm khó khăn với nền kinh tế Trung Quốc. Trong 5 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng nâng mức tăng trưởng kinh tế lên mức 7-8%. Các chương trình kích thích kinh tế đã có lúc có hiệu quả nhưng sau những vấn đề với công suất dư thừa và bong bóng bất động sản, các nhà lãnh đạo nước này nhận ra rằng Trung Quốc cần có sự thay đổi.
Đồng Nhân dân tệ có thể mất giá thêm 4% trong năm 2016
Thống kê từ dự báo của các tổ chức quốc tế cho hay, về chính sách tiền tệ, Mỹ được dự báo tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016 nhưng với các bước đi thận trọng. Goldman Sachs dự báo Mỹ sẽ bước đi như “một chú rùa” trong năm 2016, nhưng Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong năm tới, và mỗi quý sẽ tăng 1 lần. Trong khi đó, nhiều nước được dự báo giảm lãi suất trong năm 2016. Trung Quốc dự báo giảm lãi suất từ mức 4,35% trong năm 2015 xuống 4,1% trong nửa đầu và 3,85% trong nửa cuối năm 2016 (nguồn: Báo cáo của IMF về Giám sát Tài khóa) Nhìn chung, do những bất ổn vĩ mô khác nhau nên các báo cáo cũng dự đoán các quốc gia sẽ có lựa chọn chính sách tiền tệ khác nhau: Trong khi các quốc gia phát triển sẽ thắt chặt tiền tệ để đối phó thâm hụt ngân sách thì các quốc gia đang phát triển sẽ tranh thủ thời cơ, nới lỏng tiền tệ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Mức độ nới lỏng trên tỷ lệ thâm hụt ngân sách của các quốc gia sẽ từ mức 1,1-1,2%, riêng các quốc gia mới nổi khu vực châu Á là 1,2-15%. Về chính sách tỷ giá, các thống kê từ các tổ chức cũng đưa ra những nhận định có tính tương đồng rằng: Do Mỹ tăng lãi suất trong khi các nước giảm lãi suất nên đồng tiền các nước trong năm 2016 dự báo sẽ mất giá so với USD, trong đó NDT sẽ mất giá 4%. Việc NDT tham gia vào giỏ SDR là một bước tiến trong kế hoạch quốc tế hóa NDT mà theo đó Trung Quốc phải đẩy nhanh tự do hóa tài khoản vốn. Điều này dẫn đến tỷ giá NDT so với USD sẽ linh hoạt hơn và việc các nước, nhất là các nước có trao đổi thương mại lớn với Trung Quốc, cố định tỷ giá so với USD có thể lại làm tỷ giá so với NDT mất ổn định. Thuận Hóa |
Theo Ninh Kiều (enternews.vn)
Từ khóa : chứng khoán,hoạt động giao dịch,chỉ số CSI 300,chỉ số Shanghai Composite