Sửa đổi Luật Chứng khoán: Ngăn việc trục lợi từ việc mua bán cổ phiếu 'chui'

Ngày 7/11, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo “Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi)” khu vực phía Bắc”. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Thành viên Ban soạn thảo, các công ty chứng khoán và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chia sẻ bên lề hội thảo, bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch UBCKNN, thành viên Ban soạn thảo cho rằng, việc sửa Luật Chứng khoán nhằm hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý ổn định, góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, minh bạch và tiếp tục trở thành một kênh dẫn vốn hiệu quả.
Theo bà Phương, dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới rất quan trọng, trong đó có điểm nổi bật là sẽ trao thêm quyền cho cơ quan quản lý trong công tác thanh tra, xử phạt và giải quyết khiếu nại tố cáo. Sở dĩ vấn đề này được coi trọng trong dự thảo luật lần này là bởi thời gian qua thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều vụ vi phạm rất tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, UBCKNN chưa có thẩm quyền trong việc xác minh tài khoản, dòng tiền, yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra...
Còn nhớ hồi cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Công ty FLC đã bị xử phạt hàng chục triệu đồng vì hành vi mua bán "chui" cổ phiếu doanh nghiệp của mình.
Cụ thể, từ ngày 20 đến 24/10/2017, ông Trịnh Văn Quyết đã bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo thông tin giao dịch. Theo thống kê giao dịch, thời điểm vị chủ tập đoàn này bán "chui" cổ phiếu, giá FLC ở mức 7.100 - 7.700 đồng/cổ phiếu. Sau khi lượng cổ phiếu khổng lồ này được bán ra, cổ phiếu FLC lập túc sụt giảm đến nay vẫn chưa quay về được mốc 7.100 đồng. Với hành vi vi phạm này, ông Trịnh Văn Quyết chỉ bị phạt 65 triệu đồng, trong khi tiền ông Quyết thu về từ vụ giao dịch "chui" hàng trăm tỷ đồng.
Cũng với hành vi báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện giao dịch, một “ông lớn” khác trên thị trường chứng khoán là ông Võ Anh Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Thái Dương (mã chứng khoán TDG) đã bị Thanh tra UBCKNN xử phạt 27,5 triệu đồng.
Trước đó, ông Thái đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu TDG, tương đương 7,7% vốn cổ phần công ty từ ngày 15/11 đến 14/12/2017. Tuy nhiên, đến ngày 5/1, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) mới nhận được báo cáo về lý do không thực hiện được giao dịch của ông Thái...
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBCKNN cho biết, Luật Chứng khoán hiện hành đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đồng bộ, đưa thị trường chứng khoán phát triển. Tuy nhiên, nhiều quy định của luật hiện hành đã lỗi thời, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp hơn với quy mô thị trường cũng như các vấn đề đang phát sinh trên thị trường chứng khoán hiện nay. Điều đó không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn phát triển kinh doanh, mà quan trọng hơn là bảo vệ quyền lợi, xây dựng lòng tin để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Chia sẻ từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực trong hoạt động thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, ông Việt cho biết, theo thông lệ quốc tế, khi tiến hành thanh tra giám sát những hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán như hành vi thao túng, nội gián, thì cơ quan quản lý có thẩm quyền tiếp cận dòng tiền các nhà đầu tư, triệu tập các nhà đầu tư đến làm việc. Khi có dấu hiệu nghi vấn liên quan đến các giao dịch đáng ngờ thì có thẩm quyền lấy sao kê các cuộc điện thoại tại các cuộc giao dịch bất thường...
Từ kinh nghiệm, thông lệ quốc tế và khu vực, Ban soạn thảo đã đề xuất bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thao túng, nội gián như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm giải trình, đối chất...
Việc bổ sung thẩm quyền cho cơ quan quản lý không những giúp thị trường chứng khoán tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, tăng cường năng lực phát hiện xử lý vi phạm thao túng, nội gián, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, mà còn tăng cường năng lực phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trên thị trường.
Ngoài việc giao thêm quyền cho cơ quan quản lý, nhiều ý kiến của đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, cần nâng trần mức phạt lên cao nhằm hạn chế các sai phạm trên thị trường chứng khoán.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) quy định mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa trong trường hợp tái phạm gấp 2 lần mức phạt vi phạm lần đầu. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc một số các biện pháp xử lý quy định tại luật này. Chủ tịch UBCKNN, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán dầu khí cho rằng, cần nâng trần mức phạt cao hơn, thậm chí lên tới 20 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời áp dụng nhiều mức khác nhau nhằm tăng tính răn đe, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hạn chế các sai phạm trên thị trường chứng khoán…
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : chứng khoán, cổ phiếu