Doanh nghiệp vừa và nhỏ trước sự hình thành AEC: “cuộc đấu” không cân sức

(DĐDN) – Sự hình hành AEC đã làm thay đổi môi trường sản xuất, kinh doanh, và cạnh tranh trong khu vực ASEAN, một khu vực bao gồm những đối tác và cũng là những đối thủ cạnh tranh của DN vừa và nhỏ Việt Nam. Các DN Việt có vươn ra được bên ngoài hay sẽ bị loại khỏi cuộc chơi sẽ tùy thuộc gần như hoàn vào khả năng tồn tại của chính mình.

Các Cty đa quốc gia sẽ tính toán và so sánh lại các lợi thế và chi phí của việc phân bố chuỗi sản xuất, cung ứng của họ khi môi trường kinh doanh khu vực đã thay đổi

Từ thập kỷ 1990 xuất hiện một hiện tượng trong nền sản xuất thế giới. Hiện tượng gọi là sự phân tán sản xuất trong đó quá trình sản xuất được phân tách thành các khối (bloc) sản xuất xuyên biên giới. Vấn đề đặt ra với một DN vừa và nhỏ (SME) là làm thế nào để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng này để có vị trí tồn tại vững chắc. Muốn vậy DN phải tiến đến sở hữu công nghệ được công nhận đạt chuẩn, kỹ năng tay nghề và trình độ quản lý cũng vậy. SME quan tâm hơn tới chiến lược lâu dài nhằm nâng cao những năng lực nói trên cũng như trau rồi kiến thức về kinh doanh ở cấp độ quốc tế. Dưới giác độ hiện tượng phân tán sản xuất nói trên, khi AEC hình thành rất có thể sẽ diễn ra quá trình phân bổ hay phân tán lại các chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực. Vì các Cty đa quốc gia sẽ tính toán và so sánh lại các lợi thế và chi phí của việc phân bố chuỗi sản xuất, cung ứng của họ khi môi trường kinh doanh khu vực đã thay đổi. Hiện tượng Toyota muốn rút khỏi Việt Nam sang Thái Lan rất có thể nằm trong xu hướng này. Suy đoán, rất có thể Toyota chuyển căn cứ về Thái Lan nơi có ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô tốt hơn, tay nghề lao động tốt hơn, trong khi xuất khẩu ôtô từ Thái Lan vào Việt Nam cũng chẳng khác gì ôtô lắp tại Việt Nam vì AEC đã hình thành.

SME Việt có gì?

Môi trường kinh doanh thay đổi, nhiều tình huống mới xuất hiện, cơ hội có nhưng thách thức còn nhiều hơn và lớn hơn rất nhiều đối với SME Việt. Thậm chí, đối với SME Việt, chính cơ hội lại là thách thức, vì cơ hội đến nhưng có biến đó thành lợi nhuận hay không cũng là một vấn đề lớn.

Đáng lo ngại hơn nếu nhìn vào những vấn đề mà DN Việt Nam đang phải đối mặt. Thứ nhất, SME đều có qui mô rất nhỏ, hiện nay đến 85% số DN có doanh thu đạt 20 tỷ đồng, chưa bằng 1 triệu đôla. Thứ hai, tất cả đều thiếu lao động có kỹ năng, và vì vốn ít họ chỉ có thể sở hữu công nghệ trung bình và lạc hậu. Và điều này giải thích. Thứ ba, các DN này đều có năng suất lao động thấp. Nếu so năng suất lao động giữa các đối tác trong khối AEC thì năng suất lao động Singapore cao hơn Việt Nam gấp 18 lần, Malaysia gấp 6,6 lần Thái lan gấp 2,7 lần Philippine và Indonesia gấp 1,8 lần. Thứ tư, một nhược điểm lớn nữa là DN Việt Nam có mức độ liên kết rất yếu. Thứ năm, phương thức làm ăn về cơ bản chỉ quan tâm đến những cái lợi ngắn hạn, mà chưa có ý thức kinh doanh bài bản, có tính chiến lược lâu dài. Thứ sáu, các kiến thức về cách thức phân bố sản xuất tầm quốc tế là hoàn toàn thiếu. Do đó, khả năng tham gia cạnh tranh giành phần trong các chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế là rất thấp. Mức độ tham gia của SME Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu rất thấp chỉ là 21%, thấp hơn nhiều so với các nước khác. Thứ bảy, còn non trẻ, yết ớt, thiếu kinh nghiệm như vậy nhưng các DN Việt Nam dường như cũng thiếu sự dìu dắt. Cuối cùng, không những thế các DN Việt Nam còn phải chống chọi với hàng nhập khẩu luôn ở vào thế giá rẻ hơn. Lý do là Việt Nam áp dụng một chế độ tỷ giá neo vào đồng đôla một cách cứng, và kéo dài. Thậm chí, hiện nay khi đồng đôla lên giá do Fed tăng lãi suất trong khi ngân hàng trung ương châu Âu và Nhật Bản lại duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, và Trung Quốc đang thực thi phá giá đồng nhân tệ, đồng Việt Nam vẫn được neo vào đôla. Kết quả là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam không thể đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Trong bối cảnh hình thành AEC, môi trường cạnh tranh trở nên mới mẻ hơn và khốc liệt hơn đối với DN Việt Nam. Trong khi đó, có thể nói các DN Việt yếu kém về mọi mặt, phải tồn tại trong môi trường vĩ mô không thuận lợi, và thiếu hiểu biết về thị trường và việc làm thế nào để chen chân vào các chuỗi sản xuất và cung ứng để có vị trí tồn tại bền vững.

Khi AEC hình thành rất có thể sẽ diễn ra quá trình phân bổ hay phân tán lại các chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực.

Làm thế nào để DN tồn tại?

Nhưng có những việc DN phải tự làm, nhưng cũng có nhiều việc không thể tự làm, nghĩa là nhà nước cần phải thể hiện rõ hơn vai trò dìu dắt, hỗ trợ họ.

Kinh nghiệm ở châu Âu, ở Mỹ, đặc biệt là ở Nhật, vai trò của nhà nước là rất lớn để tạo dựng khu vực DN vừa và nhỏ hùng mạnh. Ở Nhật ngay từ khi khi bước vào con đường phát triển, chính phủ Nhật luôn có những hành động cụ thể như ban bố nhiều đạo luật tạo thuận lợi cho DN vừa và nhỏ, dành một phần tài chính hay hướng một phần tài chính quốc gia cho DN, thiết lập một thể chế vận hành cụ thể bao gồm nhiều định chế tài chính tham gia cung cấp vốn cho DN… Tóm lại, chi cho phát triển SME bao nhiêu? Chi thế nào là hiệu quả nhất?… đều được thể thiện dưới dạng luật hay các qui tắc ngang luật.

Ngoài ra, trong điều kiện Việt Nam, nhà nước hay các tổ chức thuộc nhà nước có thể giúp đỡ DN trong việc cung cấp sự hiểu biết về phương thức hoạt động của sản xuất, kinh doanh trong khu vực, về những thay đổi trong hệ thống luật tác động trực tiếp tới họ, tổ chức các hội chợ kỹ thuật, công nghệ tạo cơ hội cho họ giao lưu quốc tế…

Về phần DN, cần phải chủ động tìm hiểu môi trường kinh doanh, sản xuất mới, xây dựng chiến lược lâu dài không phải chỉ để có lợi nhuận trước mắt mà phải có ý đò xâm nhập vào các chuỗi sản xuất, cung ứng trên thế giới và khu vực. Các DN cần có những nghiên cứu về chuỗi sản xuất, cung ứng trong khu vực. Từ đó rút ra những kết luận về các chuỗi đó là gì, trình độ công nghệ và quản lý ra sao? Về lâu dài, đây là yếu tố quan trọng nhất cho sự tồn tại và phát triển mà các DN Việt Nam cần phải nhận thức rõ.

Ngoài ra, bài viết này muốn đề cập đến vấn đề đang xuất hiện gây nhiều khó khăn cho DN xuất nhập khẩu. Đó là tình hình tỷ giá có nhiều biến động, các DN đang bộc lộ nhiều sơ hở về việc quản lý rủi ro tỷ giá, và bị thiệt hại rất nhiều. Tuy nhiên, các DN tỏ ra ít quan tâm, ít hiểu biết về vấn đề này, và nếu có quan tâm thì nhận thấy chi phí cho dịch vụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá là quá cao nên rút lui. Từ đó, bài trình bày muốn đưa ra gợi ý rằng có thể chính phủ nên bỏ một quỹ nhất định giúp đỡ một phần chi phí này. Các ngân hàng sẽ nhận được một phần chi phí dịch vụ này từ quỹ này của chính phủ, phần còn lại từ DN. Bằng cách này, chính phủ như chất xúc tác, kích thích hành vi xây dựng dịch vụ bảo hiểm rủi ro tỷ do ở các ngân hàng, và hành vi tham gia dịch vụ này từ các DN. Và có thể coi đây như một phần trong chiến lược vừa ổn định được xuất khẩu, lại vừa có ý nghĩa phát triển DN vừa và nhỏ Việt Nam.

Thông điệp từ ví dụ này nói rằng có những việc DN không thể tự làm được nếu thiếu vai trò khởi xướng, hỗ trợ, dìu dắt của nhà nước. Với sự xuất hiện của AEC và nhiều sự liên kết khác đang đến, vai trò chủ động không còn chỉ thuộc về DN, mà thuộc về chính bản thân nhà nước.

Theo Bùi Ngọc Sơn (Viện kinh tế Chính trị thế giới/enternews.vn)

Từ khóa : Doanh nghiệp vừa và nhỏ,AEC