Xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đối diện rủi ro 'rửa' xuất xứ

Trước sự tăng trưởng đột biến của xuất khẩu (XK) gỗ dán Việt Nam sang Mỹ, nhiều chuyên gia lo ngại về vấn đề “rửa” xuất xứ hàng hóa để XK. Điều này tiềm ẩn rủi ro Việt Nam trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Mỹ là thị trường XK sản phẩm gỗ số 1 của Việt Nam. Giá trị XK đồ gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm tới 43% tổng giá trị XK. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Việt Nam XK sang Hoa Kỳ đạt 2,73 tỉ USD chiếm 43,2% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước, tăng 19,17% so với cùng kỳ của năm 2017 và 15,75% so với năm 2016.
Các mặt hàng gỗ chính, chiếm tỉ trọng XK sang Mỹ lớn như mặt hàng ghế ngồi chiếm trung bình 17% tổng giá trị XK; đồ gỗ văn phòng chiếm 6%; đồ gỗ trong phòng bếp chiếm 3%; đồ gỗ dùng trong phòng ngủ chiếm 30%; đồ nội thất bằng gỗ khác chiếm 26%; bộ phận đồ nội thất chiếm 14%, mặt hàng gỗ dán chiếm trung bình 1% tỉ trọng XK 6 nhóm hàng trên chiếm tới 97% tổng giá trị XK sang thị trường Mỹ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, thống kê dữ liệu Hải quan cho thấy trong giai đoạn từ 2010 tới 2016, mặt hàng gỗ dán hàng năm XK đi Mỹ trung bình khoảng từ 7 triệu USD/năm, chiếm tỉ trọng XK trung bình là 0,4%/năm.
Trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, mặt hàng gỗ dán XK tăng đột biến sang thị trường Mỹ. Cụ thể, năm 2017 chiếm tới 2% thị phần XK sang Mỹ. 9 tháng đầu năm 2018 XK mặt hàng này đạt 217,4 nghìn m3 tăng 617% về lượng và 126,1 triệu USD, tăng trên 300% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017 (31,51 triệu USD).
Số liệu thống kê từ tổng cục Hải quan cho thấy giá trị XK tăng đột biến mặt hàng này từng tháng trong giai đoạn từ 2015 tới 9 tháng năm 2018. Trong năm 2017 Việt Nam nhập khẩu 380,567 m3 gỗ dán ứng với trị giá 166,96 triệu USD tăng 18% về lượng và 26% về giá trị so với 2016.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ dán lớn của Việt Nam chiếm 83% về giá trị vào năm 2017 và 88% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Sự tăng đột biến XK mặt hàng này sang Mỹ cũng như là việc Việt Nam nhập khẩu giá trị lớn gỗ dán từ Trung Quốc là yếu tố dẫn tới các quan ngại cho các DN Việt đang sản xuất mặt hàng này trong nước.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc khi xuất sang thị trường Hoa Kỳ sẽ bị áp thuế suất cao, vì vậy, có khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ có chiêu bài để lẩn tránh, thay đổi nguồn gốc xuất xứ sang Việt Nam, sau đó XK sang Mỹ để nhằm tránh thuế.
Khi lượng gỗ dán Việt Nam XK sang Mỹ tăng một cách đột biến trong thời gian này, Mỹ sẽ nghi ngờ và có thể áp dụng cả biện pháp “trừng phạt” đối với cả các sản phẩm của Việt Nam XK sang Mỹ.
Trên thực tế, Hải quan Mỹ đã khởi xướng điều tra một vụ việc "lẩn tránh" như vậy đối với một số DN XK ván dán từ Việt Nam. Bộ Công Thương đang theo dõi sát vụ việc này và cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra để xem có sự giả mạo xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh mức thuế trên thị trường Mỹ hay không.
Với tình hình leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cơ hội cho hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ cũng như chiều giao thương ngược lại đều rất tốt. Chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, DN Việt Nam nói chung và chế biến gỗ nói riêng chắn chắn sẽ có nhiều lợi thế. Bởi ngoài vị trí địa lý tương đồng, Việt Nam còn có thế mạnh đến từ các hiệp định thương mại của khu vực.
Tuy nhiên, ông Tim Liston - Phó tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam - cho hay: Việt Nam cần quan tâm hơn đến vấn đề “rửa” xuất xứ hàng hóa của các DN nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương ông Trần Quốc Khánh cũng cảnh báo về vấn đề “rửa” xuất xứ hàng hóa để XK, gây ảnh hưởng không tốt cho hình ảnh của Việt Nam.
Trong cuộc chuyển đổi này, đáng chú ý nhất là việc dịch chuyển sản xuất của các DN chế biến gỗ Trung Quốc sang Việt Nam, mua lại nhà máy, công xưởng… để có thể tận dụng lợi thế “Made in Viet Nam”. Nếu dịch chuyển đơn hàng, đầu tư với ý đồ lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh thuế nhập khẩu để vào Mỹ thì không cẩn thận, ngành gỗ Việt Nam sẽ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Để tránh ngành gỗ thay vì nắm bắt được cơ hội lại trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét áp dụng các rào cản để ngăn chặn dòng chảy ồ ạt các sản phẩm gỗ dán từ Trung Quốc vào Việt Nam, có biện pháp điều tiết hợp lý. Có biện pháp ngăn chặn các nguy cơ về gian lận thương mại có thể xảy ra.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Xuất khẩu, gỗ dán, rủi ro