Năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi heo chưa đủ lớn khi vào CPTPP

(thegioitiepthi.vn) - Thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngành chăn nuôi heo của Việt Nam được đánh giá là chưa đủ sức cạnh tranh. Có nhiều nguyên nhân trong đó, hệ thống chuồng trại, chi phí thức ăn chăn nuôi.

Sáng nay (18/1), tại Hà Nội, Bộ Công thương, Báo VnExpress, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phối hợp tổ chức hội thảo CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay thách thức.

Ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam: "Rõ ràng năng lực sản xuất và tiêu thụ chúng ta có, nhưng năng lực cạnh tranh chưa đủ lớn"

Chia sẻ góc nhìn doanh nghiệp về những cơ hội và thách thức của các ngành hàng tại Việt Nam trong bối cảnh CPTPP, ông Nguyễn Cao Trí - Tổng Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam - cho rằng: Các nước chuyên về chăn nuôi trên thế giới có nhiều điểm mạnh về thương hiệu, quy mô, hệ thống quản lý trang trại, chất lượng. Có khoảng 15 nước xuất khẩu chiếm hơn 90% toàn thế giới, năng lực và công nghệ của các nước này bỏ xa những nước khác. Đơn cử, Đan Mạch thu 3 tỷ USD xuất khẩu heo, chiếm 90% sản lượng thịt họ sản xuất, họ chỉ tiêu thụ 10%.

Ở Việt Nam có thói quen tiêu dùng thịt tươi mới giết mổ. Với thực tế này, ông Nguyễn Cao Trí cho rằng, chúng ta có thể sẽ ổn trong thời gian ngắn, nhưng lâu dài, có nguy cơ bị cạnh tranh cao khi người dân quen dần với đồ ăn lạnh. Đặc biệt khi những thành viên khác có thế mạnh chăn nuôi có thể sắp tới sẽ gia nhập CPTPP.

Ông Trí nhận định giá thành chăn nuôi của Việt Nam chưa cạnh tranh. Điều này đến từ năng suất nguyên liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu, nguồn giống năng suất chưa cao, hệ thống quản lý trang trại chưa tối ưu... Cạnh đó, chất lượng sản phẩm chăn nuôi như: heo, bò, gà của Việt Nam có thể xuất khẩu qua các nước phát triển không cao. Ngoài ra, còn có yếu tố ngoại vi như thương hiệu chưa đủ lớn, nhân lực, trang trại nhỏ, manh mún... “Dù Việt Nam có hơn 400 triệu gia súc gia cầm nhưng hầu hết đến từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Rõ ràng năng lực sản xuất và tiêu thụ chúng ta có, nhưng năng lực cạnh tranh chưa đủ lớn", ông Trí nhận xét.

Phân tích chỉ số trong ngành chăn nuôi, ông Trí cho hay, nói về hiệu suất, có vài thông số cơ bản: Daily gain weight - chỉ số tăng trọng, FCR - tỷ lệ thức ăn tiêu tốn cho một ký thịt heo hơi (tỷ lệ chuyển đổi thức ăn), BSY - số heo con cai sữa trên một con heo nái. Ở Việt Nam, chỉ số BSY chỉ mới đạt 20-23 trong khi ở Đan Mạch là 35 và bình quân một số nước trên thế giới là 30.

Một vấn đề nữa được nói đến là hệ thống chuồng trại. Tại Việt Nam, chăn nuôi heo chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình, vừa và nhỏ nên năng suất thấp. Trong khi đó, việc chuồng trại tốt, thiết kế chuyên nghiệp, độ bền cao là hết sức quan trọng trong chăn nuôi heo. Ngoài ra, cần phải nuôi tối ưu và tự động cho từng giai đoạn của con vật cùng công nghệ kiểm soát môi trường bên trong. 

Để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi heo, theo ông Trí, Việt Nam cần có cơ chế phù hợp, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều quan trọng là làm sao tạo ra vùng trọng điểm trong chăn nuôi như mô hình của các nước tiên tiến. Để làm điều này, cần có sự đồng hành của doanh nghiệp, Chính phủ để tăng sức cạnh tranh, đón đầu lợi thế của CPTTP. “Hiện, 60-65% chi phí chăn nuôi nằm ở nguồn thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có nguồn lương thực đầu vào tốt, được kiểm soát chất lượng, chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn vật nuôi đồng thời áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi”, ông Trí nói.

Ngành chăn nuôi heo thiếu sức cạnh tranh

Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định CPTPP vừa chính thức được thực thi đối với Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nhiều lĩnh vực, ngành hàng, trong đó có nông nghiệp.

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường – cho hay: Hiệp định CPTPP đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như: thủy sản, lâm sản, đồ gỗ, rau quả, trái cây và các nông sản khác (gạo, cà phê, cao su...). Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hiện chúng ta đã xuất khẩu được sản phẩm thịt gà qua chế biến vào thị trường Nhật Bản. Nếu có những biện pháp thích hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, chọn những sản phẩm riêng biệt thì có thể cạnh tranh được, thậm chí có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, có thể dự báo một số thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam là các nước tham gia có thể giảm thuế suất nhưng nâng cao các hàng rào phi thuế quan và có sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn; chất lượng, giá thành sản phẩm nông lâm thủy sản sẽ là các yếu tố cạnh tranh tiếp theo.

Trước thách thức từ các thị trường này, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó sản xuất ra các mặt hàng nông sản phù hợp, đặc biệt phải bảo đảm các yếu tố: giá cả cạnh tranh, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản sạch, sản xuất hữu cơ.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Năng lực cạnh tranh, chăn nuôi heo, CPTPP