Xây dựng chuỗi cung ứng để tiêu thụ bền vững

(VEN) - Xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ thực phẩm an toàn giúp đảm bảo chất lượng của các sản phẩm lương thực, thực phẩm, và thúc đẩy tiêu thụ bền vững.
![]() |
Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn |
Xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn
Tại Hội nghị phổ biến mô hình chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn cho một số ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối được Bộ Công Thương tổ chức mới đây, bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - đơn vị được đánh giá là có cách làm tương đối hiệu quả trong xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ thực phẩm an toàn cho biết: Thành phố hiện có khoảng 3.691 điểm bán hàng lương thực thực phẩm với 100% là hàng Việt. Tại các điểm bán này, vấn đề được quan tâm nhất là làm sao ‘khép kín’ từ sản xuất đến tiêu dùng, cung ứng cho thị trường những sản phẩm đảm bảo an toàn.
Để xây dựng những chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, ở thời điểm đầu, TP. Hồ Chí Minh đã quyết định chọn những doanh nghiệp (DN) có uy tín, thương hiệu, có năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng sản xuất nguồn hàng chi phối thị trường, hệ thống công nghệ đảm bảo sản xuất sản phẩm đạt chuẩn như Vissan, Ba Huân… để định hướng đẩy mạnh sản xuất, tạo nguồn hàng an toàn. Từ nguồn hàng đảm bảo, TP. Hồ Chí Minh quyết định phát triển điểm bán dựa trên những DN này. “Có nghĩa là từ khâu con giống, nuôi trồng, ra sản phẩm đến đưa sản phẩm ra thị trường đều được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu. Các sản phẩm an toàn đạt chuẩn được in logo chuỗi sản xuất an toàn,” bà Lê Ngọc Đào chia sẻ.
Đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn liên tục được kiểm nghiệm nhanh, kiểm nghiệm ngẫu nhiên từ nơi trồng đến khi đưa vào hệ thống phân phối. Những cửa hàng, siêu thị đều dành khu riêng để bán hàng VietGap. Điều này giúp khuyến khích DN sản xuất hàng đạt tiêu chuẩn, tránh tình trạng đánh đồng hàng VietGap với hàng trôi nổi.
Tại Hà Nội, trước tình trạng sản phẩm lương thực, thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đảm bảo nguồn cung rau và thực phẩm sạch đã trở thành mối ưu tiên hàng đầu của thành phố. Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội có 28 trung tâm thương mại và 129 siêu thị kết hợp với chuỗi sản xuất của các DN khác như Hapro, An Việt để thực hiện việc cung ứng rau và thực phẩm sạch.
Năm 2015, Hà Nội đã triển khai 2 điểm tự hào hàng Việt chủ yếu cung ứng rau và thực phẩm sạch. Dự kiến năm 2016 sẽ có khoảng 30 điểm tương tự nữa được mở để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân thủ đô.
Tuy nhiên, nguồn cung ứng tại chỗ có hạn hiện mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thị trường. Từ cuối năm 2015, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng chương trình Hà Nội sạch, trong đó có vấn đề an toàn thực phẩm, bằng cách tăng cường liên kết vùng để tạo nguồn cung sản phẩm sạch cho người dân.
Hỗ trợ mạnh hơn cho xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn
Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu nhưng việc xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn còn gặp nhiều khó khăn do giá của các sản phẩm an toàn luôn cao hơngiá của các sản phẩm thông thường. Điều này không khuyến khích người tiêu dùng chọn mua sản phẩm an toàn, không khuyến khích DN phân phối, ưu tiên phân phối các sản phẩm này, cũng như không khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa sản phẩm an toàn.
Bà Lê Ngọc Đào cho hay, quan trọng là phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. “Phải làm sao để người tiêu dùng hiểu rằng sản phẩm sạch, an toàn không thể có giá giống sản phẩm được sản xuất đại trà. Vì sức khỏe của mình, vì tương lai của các sản phẩm sạch, trong giai đoạn đầu tiên phải chấp nhận điều này,” bà Đào nói.
Đồng ý kiến với bà Lê Ngọc Đào, ông Nguyễn Đại Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Trang trại Bảo Châu - một trong những trang trại đầu tiên ở khu vực phía Bắc xây dựng thành công chuỗi cung ứng thực phẩm sạch - chia sẻ, trong giai đoạn đầu, giá của các sản phẩm thực phẩm an toàn sẽ cao hơn các sản phẩm trôi nổi. Tuy nhiên, khi sản phẩm tìm được đầu ra, DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giá sản phẩm sẽ dần giảm xuống.
Theo bà Lê Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, việc liên kết tạo ra chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là yêu cầu cấp thiết mà liên bộ Công Thương - Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp triển khai. Tuy nhiên, để tăng nguồn cung, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tạo cơ chế cho DN vào cuộc để phát triển sản xuất, mở rộng mạng lưới cung ứng sản phẩm sạch trên phạm vi toàn quốc, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Việc xây dựng chuỗi cung ứng này nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.
“Riêng trong dịp Tết Bính Thân, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở nông nghệp và phát triển nông thôn địa phương để nhận diện, kết nối, đưa các sản phẩm, hàng hóa đã được các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương xác nhận là thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối do Bộ Công Thương quản lý. Hy vọng đây là giải pháp rút ngắn hơn con đường đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng,” bà Lê Việt Nga kỳ vọng.
Theo Lan Phương (ven.vn)
Từ khóa : thực phẩm an toàn,đảm bảo chất lượng,lương thực,thực phẩm