FTA - Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp biết tận dụng

(VEN) - Giới chuyên gia và doanh nghiệp (DN) kỳ vọng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết trong năm 2015 sẽ tạo ra làn sóng hội nhập mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam.

Cánh cửa FTA đã rộng mở

Theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu, chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu (XK) chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí.… Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết mở cửa với 89,75% số dòng thuế.

FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan cũng đã tạo thêm nhiều cơ hội XK quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp. Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương. Ước tính kim ngạch XK của Việt Nam sang liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm sau khi có FTA này. 

FTA Việt Nam - EU (EVFTA) cũng vừa được tuyên bố kết thúc hoàn toàn đàm phán vào đầu tháng 12/2015 và dự kiến sẽ sớm được ký kết trong thời gian tới. Ngay khi hiệp định này có hiệu lực, 27 nước thuộc EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU, bao gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm.… Dự kiến, sau khi  EVFTA được ký kết, XK của Việt Nam sang EU sẽ tăng từ 30-40% và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng từ 20-25%. Bên cạnh đó, EVFTA còn được kỳ vọng sẽ giúp thu hút lượng lớn vốn đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam.   

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký trong tháng 2/2016, theo Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thì TTP sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam. Theo tính toán, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. XK sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.

Nếu như ví các FTA giống như những cánh cửa, thì đến năm 2018, khi các FTA vừa ký cũng có hiệu lực thì dải đất hình chữ S sẽ mở rộng những cánh cửa này với 58 thị trường đối tác, đem lại cơ hội (nhiều hơn là thách thức) cho các DN biết khai thác, tận dụng, có kế hoạch và chiến lược phù hợp.

Doanh nghiệp hào hứng nhưng cần chuẩn bị kỹ

Theo điều tra trên gần 10.000 DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện thì TPP có tới 66% DN Việt Nam ủng hộ và tin vào những lợi ích mà hiệp định này đem lại cho họ, trong khi tỷ lệ này ở các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khiêm tốn hơn - chưa tới 30%.

“Các DN Việt Nam có thể vẫn đang băn khoăn về lợi ích và thách thức khi TPP được ký kết nhưng có thể khẳng định, chắc chắn sẽ có những lợi ích cốt lõi đối với nền kinh tế nói chung, các DN nói riêng. TPP cam kết sâu hơn về các chuỗi sản xuất và cung ứng, thiết lập các nguyên tắc để bảo đảm rằng DN tư nhân có thể cạnh tranh bình đẳng với các DN nhà nước, hỗ trợ giải quyết việc làm bằng cách tạo thuận lợi hơn cho người lao động vàDN ở các quy mô lớn và nhỏ”, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết.

Theo ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn đoàn đàm phán Chính phủ EVFTA, EVFTA là hiệp định thế hệ mới, mở cửa thị trường toàn diện, chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với FTA Việt Nam - EU, ngoài những vấn đề đã có trong các FTA đã ký còn có những vấn đề Việt Nam chưa từng cam kết như đầu tư (cả trong sản xuất và dịch vụ), mua sắm công, lao động, môi trường… mà các DN phải hết sức lưu ý.

Còn Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc lại đưa ra các lời khuyên rất thiết thực đối với các DN. Một là, tìm hiểu, tập hợp thông tin về các xu hướng, cam kết trong các FTA có liên quan tới hoạt động của ngành mình và DN mình. Hai là, phân tích, đánh giá tác động của các cam kết FTA này đối với triển vọng kinh doanh của ngành và của DN. Ba là, xây dựng kế hoạch kinh doanh của từng DN trong thế liên kết với các DN khác trong chuỗi giá trị, có tính đến các tác động cả tiêu cực và tích cực của các FTA này. Bốn là, bắt tay vào các hành động chuẩn bị cụ thể để đón đầu các cơ hội cũng như vượt qua thách thức ngay khi các FTA bắt đầu có hiệu lực.

Có thể TPP sẽ được ký kết ngay trong tháng 2/2016 và EVFTA cũng sẽ được ký trong nửa đầu năm 2016, và dự kiến đến năm 2018 khi toàn bộ các FTA mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán đi vào thực thi, những hiệp đinh này sẽ là cơ hội lớn cho các DN có sự chuẩn bị kỹ và ngay từ bây giờ.

Theo Thu Hằng (ven.vn)

Từ khóa : Giới chuyên gia và doanh nghiệp (DN),hiệp định thương mại tự do,FTA,làn sóng hội nhập