TP. Hồ Chí Minh thu hút, hấp thụ nguồn vốn FDI hiệu quả

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian qua đã cho thấy khả năng thu hút và hấp thụ nguồn vốn FDI của thành phố đạt hiệu quả tốt.  

Trong 9 tháng năm 2019, thành phố có 947 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 953,2 triệu USD, tăng 25,1% về giấy phép và tăng 39,2% về vốn đăng ký so với năm 2018. Điều chỉnh vốn đầu tư có 227 dự án, vốn tăng 493,6 triệu USD. Góp vốn, mua cổ phần có 3.967 trường hợp, tổng vốn đạt 4 tỷ USD. Như vậy tính tổng cộng trong 9 tháng/2019 TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được trên 5,4 ỷ USD vốn FDI. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản dẫn đầu về vốn với 36 dự án, vốn đầu tư đạt 370 triệu USD, chiếm 38,8% tổng vốn được cấp phép mới; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ 223 dự án, vốn đầu tư 234,9 triệu USD (chiếm 24,7%); thương mại có 407 dự án, vốn đầu tư 153,6 triệu USD (chiếm 16,1%)...

tp ho chi minh thu hut hap thu nguon von fdi hieu qua

Các DN FDI đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu của thành trong lĩnh vực xuất khẩu, bình quân khoảng 20 tỷ USD/năm

Trong 9 tháng/2019, trên địa bàn thành phố đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Trong đó, Singapore đứng đầu về vốn với 122 dự án, vốn đăng ký đạt 240,6 triệu USD, chiếm 25,2% tổng vốn cấp mới; British Virgin Islands 13 dự án, vốn đầu tư có 179,4 triệu USD (chiếm 18,8%); Hàn Quốc 199 dự án, vốn đầu tư 169,9 triệu USD (chiếm 17,8%); Nhật Bản 124 dự án, vốn đầu tư 143,9 triệu USD (chiếm 15,1%)...

Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết hoạt động các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư được triển khai hiệu quả góp phần thúc đẩy hoạt động thu hút FDI của TP. Hồ Chí Minh đạt những kết tốt. Kết quả này đã góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, tăng tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Đồng thời cải thiện rõ rệt niềm tin của doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố.

Theo ông Shinji Hirai – Trưởng đại diện Tổ chức phát triển ngoại thương Nhật Bản JETRO tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh được xem là trung tâm các DN FDI của Nhật Bản tại Việt Nam, tiếp đến là Bình Dương và Đồng Nai… Các nhà đầu tư cũng đang xem xét đến môi trường đầu tư của các tỉnh khác trong vùng để phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh của mình tại Việt Nam. Chứng minh cho điều này theo một nghiên cứu mới nhất của JETRO đối với khu vực châu Á, khi được hỏi, các DN Nhật Bản khi muốn mở rộng thì Việt Nam luôn là điểm đến phổ biến thứ 2.

Để thúc đẩy phát triển DN trong nước, thu hút vốn FDI, trong thời gian tới, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư trong đó đơn giản hoá, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư cho DN, cùng với đó chuẩn bị quỹ đất sạch cho DN triển khai dự án. Tổ công tác về đầu tư do Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh làm tổ trưởng tiếp tục duy trì họp hàng tuần để giải quyết các vấn đề phát sinh trong triển khai dự án của nhà đầu tư.

Đầu tư FDI từng bước tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong đó, có việc khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, cải thiện năng lực sản xuất của ngành công nghiệp thành phố. Để phù hợp với nhu cầu phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục thay đổi trong việc chọn lọc nguồn vốn FDI theo hướng tăng hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Tính đến nay, DN FDI đã đóng góp khoảng 2 điểm % trong mức tăng trưởng GRDP trung bình trên 8,3% hàng năm của thành phố. Tính bình quân một DN FDI đóng góp 5 tỷ đồng cho ngân sách. Ngoài ra, các DN FDI còn đóng góp trong lĩnh vực xuất khẩu, bình quân khoảng 20 tỷ USD/năm, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố; giải quyết việc làm cho khoảng 670.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp…

Theo Thanh Thanh (congthuong.vn)

Từ khóa : nguồn vốn FDI