Doanh nghiệp càng lớn càng “cõng” nhiều phí hành chính

BizLIVE - Báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 cho thấy, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính và chi phí không chính thức ngày càng tăng khiến doanh nghiệp Việt đang “ngại lớn”.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Gánh nặng hành chính tăng theo quy mô doanh nghiệp
Theo kết quả điều tra, có tới 74% doanh nghiệp từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Đáng lo ngại là các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam “ngại lớn”.
Cụ thể, thông thường các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% doanh nghiệp siêu nhỏ, 24% doanh nghiệp nhỏ và 43% doanh nghiệp quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh kiểm tra doanh nghiệp trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với doanh nghiệp quy mô lớn.
Thêm vào đó, công tác thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành. Điều này thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh về tình trạng trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các đoàn đến doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy 25% doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và 30% doanh nghiệp vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Với các doanh nghiệp quy mô lớn, con số này lên tới 32%.
Ngoài ra, chi phí thời gian trong các cuộc thanh kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ; đối với các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa, con số này lần lượt là 7 và 8 giờ. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô lớn, thông thường mỗi cuộc thanh kiểm tra thuế thường làm mất khoảng 40 giờ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, gánh nặng thực hiện thủ tục hành chính cũng gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Gây phiền hà nhất là các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường và thanh toán qua kho bạc.
Chi phí không chính thức “ngốn” 10% doanh thu
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, qua PCI 2015 cho thấy, tỉ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015).
Dễ nhận thấy, việc chi trả chi phí không chính thức là một gánh nặng khác mà doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt. Cùng với đó, quy mô của khoản chi phí không chính thức so với doanh thu của các doanh nghiệp này cũng tương đối lớn.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu của doanh nghiệp, trong khi đó, con số này ở các doanh nghiệp lớn là 7%. Đồng thời, một tỷ lệ tương đối lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định, có tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng cảm nhận tệ hơn trong bốn vấn đề cơ bản gồm thị trường, lợi nhuận, khả năng cạnh tranh và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền địa phương.
Theo đó, khoảng 20% doanh nghiệp siêu nhỏ, 14% doanh nghiệp quy mô nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa nhận thấy cơ hội thị trường tệ hơn so với kỳ vọng ban đầu, trong khi đó con số này ở các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ 6%.
Thực tế cũng chỉ ra, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa kém hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp thua lỗ tương đối cao: 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa đã thua lỗ trong năm gần nhất, trong khi chỉ khoảng 10% doanh nghiệp lớn cùng chung cảnh ngộ này.
Theo TUYẾT NHUNG (BizLive.vn)
Từ khóa : doanh nghiệp Việt