Làm giàu từ mắm và khô

(NTD) - Năm 2018 có thể nói là một năm phấn khởi của người nuôi cá tra, nhưng bước sang năm 2019 giá bắt đầu giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Tệ hại nhất là trước Tết Canh Tý, giá cá nguyên liệu liên tục lao dốc chỉ còn 14.000 đồng/kg, khiến cho người nuôi điêu đứng. Nhưng câu chuyện của cơ sở sản xuất mắm Út Anh ở Cần Thơ lại khác!

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, vợ ông Khanh, người trực tiếp sản xuất mắm giới thiệu mắm và cá khô của cơ sở Út Anh.

Ông Chương Văn Khanh, chủ cơ sở mắm Út Anh ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ có 3 ao cá, sản lượng mỗi năm trên 2.000 tấn. Do giá cá bấp bênh nên có năm lời, có năm lỗ. Để khắc phục tình trạng khó khăn đó, vợ chồng ông có ý tưởng chế biến con cá tra thành mắm và cá khô. Từ ý định đó ông vẫn tiếp tục nuôi cá tra thương phẩm để vừa bán cho công ty chế biến xuất khẩu vừa làm nguyên liệu để sản xuất mắm và khô.

Ông Khanh cho biết: Miền Tây Nam bộ là xứ sở của nhiều loại mắm nổi tiếng như mắm cá sặc, mắm cá trê, mắm cá lóc, mắm cá rô, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm cá chốt, mắm cá cơm cho đến mắm ruột, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm, mắm tép, mắm còng... nhưng ít khi nào nghe nói đến mắm cá tra. Vì vậy, khi mắm cá tra của ông ra đời đã làm cho nhiều người ngạc nhiên, muốn tìm đến cơ sở ông để tận mắt chứng kiến và mua về thưởng thức.

Bản thân tôi cũng đã vượt hơn 50 cây số để đến vùng đất cù lao trù phú gặp vợ chồng ông tìm hiều về món mắm này. Ông chia sẻ: “Sau gần hai năm mày mò học hỏi, làm đi làm lại, thử nghiệm nhiều lần với nhiều quy trình khác nhau, cuối cùng món mắm cá tra đã đến tay người tiêu dùng, ai ăn cũng khen ngon, tiếng tăm ngày càng vang xa. Từ đó đến nay, mỗi năm tôi xuất bán trên 2 tấn mắm thành phẩm”.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, vợ ông Khanh, người trực tiếp làm ra mắm và khô cá tra cho biết: Mẹ chồng bà là người đã từng làm mắm cá lóc, cá linh nên có nhiều kinh nghiệm truyền dạy cho bà cách ủ cá, ướp muối, chao mắm... thế nào cho ngon. Để tạo được mùi vị đặc trưng cho mắm cá tra, bà phải sử dụng con cá còn tươi ướp với muối Phan Thiết, chao bằng đường thốt nốt, kết hợp với khóm và gạo thính theo một quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn vệ sinh.

Về cá nguyên liệu, ông cho biết đây là loại cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên người tiêu dùng rất an tâm.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, vợ chồng ông đầu tư thêm các thiết bị máy móc như tủ lạnh, máy hút chân không và nhiều dụng cụ cần thiết khác. Hiện nay toàn bộ sản phẩm mắm của ông được cho vào keo loại 1kg (giá 120.000 đồng) và loại 650g (giá 65.000 đồng). Thời gian sử dụng 60 ngày. Loại mắm cá tra này có thể dùng để chiên, kho hoặc chưng, giống như mắm lóc.

Các sản phẩm được chế biến từ con cá tra của cơ sở Út Anh.

Ngoài mắm ra, ông còn sản xuất khô cá tra, gồm 3 loại:

Khô nạc giá 260.000 đồng/kg; khô thỏi (thịt cá xẻ theo chiều dọc) giá 160.000 đồng/kg; khô cá tra phồng (nguyên con) giá 140.000 đồng/kg. Đặc điểm của khô cá tra là kỹ thuật ướp muối và gia vị gồm tiêu, tỏi, ớt, bột ngọt và bột nêm. Cả ba loại khô này đều được cho vào bao bì rút chân không rất tiện lợi và bảo đảm vệ sinh an toàn.

Theo tính toán của ông, cứ 4 tấn cá nguyên liệu sẽ cho ra 1 tấn thành phẩm. Bình quân mỗi năm, ông bán ra thị trường 4 tấn sản phẩm gồm 2 loại mắm và khô. Nhờ cá nuôi tại nhà nên lợi nhuận tăng cao, cụ thể như mắm lời 40%, cá khô lời 20%.

Thị trường tiêu thụ mạnh nhất hiện nay là Cần Thơ, kế đến là các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long và khách Việt kiều..

Phúc Lộc

 

Theo www.nguoitieudung.com.vn

Từ khóa : Làm giàu, mắm