Các làng nghề nhộn nhịp vào vụ Tết
(thegioitiepthi.vn) - Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, những ngày này tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt đầu tấp nập, nhộn nhịp vào vụ Tết.
Bà Lâm Thanh Hiếu, ấp An Hòa, xã An Ngãi, huyện Long Điền phơi bánh tráng phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán.
Những ngày cuối tháng 11 âm lịch, chúng tôi ghé thăm làng nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi huyện Long Điền. Trên khắp các nẻo đường vào làng, đâu đâu cũng thấy màu trắng lấp lóa của những liếp bánh tráng đang được phơi nắng.
Theo các cụ cao niên trong xã thì nghề làm bánh tráng ở An Ngãi đến nay đã tồn tại gần 100 năm. Khi xưa, khu vực này chỉ có vài hộ làm nghề, trải qua nhiều thế hệ cha truyền con nối, đến nay đã có hàng trăm hộ làm nghề. Không khí làng bánh tráng vào những ngày chuẩn bị vụ Tết thật hối hả.
Bà Nguyễn Thị Nô, năm nay ngoài 70 tuổi, đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề tráng bánh. Ngồi kế bên cái bếp lò đun trấu, trước mặt là chậu bột, bà Nô cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt đôi tay tráng bánh rồi lấy bánh phơi ra liếp. Vừa làm vừa vui vẻ trò chuyện với khách, bà cho biết, gia đình bà sống chủ yếu dựa vào nghề làm bánh tráng. Ngày ngày, vợ chồng bà vẫn theo vòng tròn của công việc: ngâm gạo, xay gạo, lọc, pha bột, nhóm lửa tráng bánh rồi đem phơi….
Vào mùa này, bánh làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nhưng sức khỏe dạo này yếu nên ngày thường cũng như ngày Tết bà chỉ tráng được mỗi ngày 2.000 bánh. Bà Nô tâm sự, dù nghề này không giàu nhưng đủ ấm no, thu nhập ổn định quanh năm.
Nghề làm bánh tráng sản xuất quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm cuối năm gần Tết, đi một vòng quanh làng nghề bánh tráng An Ngãi, chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình ở đây ai cũng hối hả, tất bật với tráng bánh, phơi bánh, lấy bánh vào nhà.
Chị Trương Thị Mỹ Hạnh, ấp An Hòa, xã An Ngãi, huyện Long Điền tráng bánh để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán.
Đã hơn 11 giờ trưa nhưng chị Trương Thị Mỹ Hạnh, ấp An Hòa, xã An Ngãi, huyện Long Điền vẫn luôn tay xay bột, tráng để kịp phơi nắng. Bà Hạnh cho hay, bà gắn bó với nghề làm bánh tráng đã hơn 20 năm, công việc luôn bắt đầu từ 3 giờ sáng và đến khoảng 3 giờ chiều khi bánh được giao đi cho các mối quen, mọi công việc mới hoàn thành. Trung bình mỗi ngày như vậy bà Hạnh tráng được khoảng 2.000 chiếc.
Vào dịp Tết, để kịp giao cho khách, công việc tránh bánh sẽ phải bắt đầu sớm hơn và sẽ kết thúc muộn hơn bình thường. Bước vào mùa Tết, chị Hạnh thường tráng thêm 500 bánh/ngày, chủ yếu là bánh tráng loại mỏng, chuyên cung ứng cho các thương lái ở chợ trong và ngoài tỉnh. Với giá bán 25.000 đồng/xấp (100 chiếc/xấp). Dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh tráng rất cao nên sản phẩm làm ra bao nhiêu đều bán hết, sau khi trừ chi phí bà Hạnh thu về khoảng 200-250 ngàn đồng/ngày.
Chia sẻ về bí kíp làm bánh lâu năm, bà Hạnh cho hay, để tạo ra được những chiếc bánh tráng dẻo, mềm, dai càng, khâu quan trọng nhất là lựa chọn nguyên liệu và pha bột. Nguyên liệu để làm bánh tráng là gạo tẻ được ngâm kỹ rồi đem xay thành bột mịn, bột pha không được quá lỏng mà cũng không quá đặc, nếu như quá lỏng thì bánh sẽ vỡ, còn nếu đặc bánh sẽ bị quá dai, quy trình để làm ra một chiếc bánh tráng trông có vẻ đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp. Do vậy, đòi hỏi người làm phải ngoài kinh nghiệm phải có sự khéo léo, tỉ mỉ.
Chia tay làng nghề bánh tráng gần 100 năm tuổi ở An Ngãi, chúng tôi đến thăm làng hoa Kim Dinh, thành phố Bà Rịa - Vùng trồng hoa Tết lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời điềm bà con trồng hoa đang tất bật chăm sóc, tỉa nụ cho các loại hoa để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán 2021.
Người trồng hoa làng hoa Kim Dinh, thành phố Bà Rịa chăm sóc vườn hoa Tết.
Vụ hoa Tết năm nay, phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa có khoảng 22ha diện tích trồng hoa của 155 hộ, với các giống hoa truyền thống như: cúc pha lê, cúc đại đóa, vạn thọ, mào gà, cát tường, hướng dương, dạ yến thảo, cẩm chướng....
Anh Trần Quang Hưng, một hộ trồng hoa ở khu phố Kim Hải, phường Kim Dinh cho biết, những ngày này anh phải luôn túc trực ngoài vườn để theo dõi hơn 1.000 chậu cúc đại đóa nhằm điều chỉnh cho hoa nở đúng dịp Tết. Bởi, đây là thời điểm quan trọng hoa đã đơm nụ, các nhà vườn đang bắt đầu tỉa bớt nụ trên mỗi cây để hoa nở đẹp và to.
Bình thường chỉ làm việc từ sáng đến chiều ngoài vườn hoa nhưng vào thời kỳ hoa bước vào giai đoạn phát triển mạnh, anh phải chăm hoa trong vườn tới đêm. Anh Hưng cho biết, Thời điểm vụ cuối, bận rộn chăm sóc hoa, thời tiết lạnh nhiều phải thắp đèn hàng đêm cho hoa, phải chăm sóc, bón phân để hoa kịp nở đúng dịp Tết.
Cùng thời điểm này trên cánh đồng hoa ở làng hoa xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ đã được phủ một màu xanh mướt của các loại hoa vạn thọ, cát tường, cẩm nhung, cúc đại đóa, dạ yến thảo, cúc nhám, hướng dương…
Ông Nguyễn Văn Hôn, ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ cũng đang tất bật chăm các chậu hoa, vụ hoa Tết năm nay gia đình ông trồng khoảng 30.000 chậu hoa các loại. Ông cho biết, thời điểm này thời tiết hơi se lạnh, mưa ít rất thuận lợi cho hoa phát triển.
Người trồng hoa tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ chăm sóc hoa vụ Tết.
Hiện nay tại các làng trồng hoa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có nhiều thương lái đến đặt hàng. Thị trường tiêu thụ hoa chủ yếu là trong nội tỉnh và 1 số địa phương lân cận như, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Khoảng từ 20 đến 25 tháng Chạp, tức trước Tết Nguyên đán một tuần, là thời gian các nhà vườn xuất bán hoa.
Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết cổ truyền, năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhu cầu trên thị trường khá trầm lắng hơn mọi năm, tuy nhiên người dân tại các làng nghề đang tranh thủ thời tiết, triển khai kế hoạch sản xuất hợp lý, không khí “vào vụ” ở các làng nghề trên địa bàn đã rất nhộn nhịp.
Với họ, ngoài việc tranh thủ sản xuất hàng hoá phục vụ nhu cầu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc thì hầu hết các hộ sản xuất đều mong có thêm thu nhập để đón một mùa xuân ấm no, hạnh phúc.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : làng nghề, vụ Tết