EuroCham đối thoại cùng Thủ tướng

Ngày 2/3/2025 mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa EU và Việt Nam, thông qua cuộc đối thoại cấp cao với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tham gia sự kiện còn có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo một số địa phương, các Đại sứ và đại diện cơ quan ngoại giao các quốc gia châu Âu tại Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, cùng các doanh nghiệp châu Âu.
Buổi tọa đàm chiến lược đã mở ra một diễn đàn quan trọng để thảo luận xác định các ưu tiên thương mại và đầu tư, cải cách chính sách và thủ tục cùng các giải pháp nhằm nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Đặc biệt, trong cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra chỉ đạo sửa đổi các quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ trong thời gian sớm nhất để giải quyết những lo ngại của doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời đảm bảo rằng khung pháp lý sẽ được điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận năng lượng tái tạo.
Nguồn ảnh: VGP
Củng cố môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Một trong những chủ đề trọng tâm của cuộc đối thoại là nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. EuroCham nhấn mạnh tầm quan trọng của một khung pháp lý ổn định, minh bạch và kêu gọi cải cách nhằm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham chia sẻ kết quả mới nhất từ báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI), theo đó, 75% doanh nghiệp châu Âu đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, để tăng cường lợi thế cạnh tranh, EuroCham đề xuất cải thiện ba lĩnh vực chính: (1) giảm gánh nặng pháp lý, (2) chuẩn hóa quy trình đăng ký thành lập doanh nghiệp và đăng ký đầu tư trên toàn quốc, (3) đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép lao động để thu hút nhân tài quốc tế và đồng bộ quy định về thị thực với tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, EuroCham cũng khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, khẳng định vị thế không chỉ là điểm đến du lịch mà còn là trung tâm đầu tư năng động, cạnh tranh trên trường quốc tế.
Cam kết cải cách từ Chính phủ Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư châu Âu vào công nghệ cao, hạ tầng và năng lượng tái tạo. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp và các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả điều hành kinh tế. Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ, ngành nhanh chóng điều chỉnh quy định để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Ngài Julien Guerrier cũng nhấn mạnh cam kết của EU trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh và hiện đại hóa nền kinh tế; đề cao tầm quan trọng của tính minh bạch trong quy định và sự hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam; đồng thời khẳng định châu Âu sẵn sàng mở rộng đầu tư, chuyển giao công nghệ và tạo thêm nhiều cơ hội tại Việt Nam.
Ông cũng chỉ ra rằng kim ngạch thương mại song phương giữa EU và Việt Nam đã đạt hơn 68 tỷ USD vào năm 2024, với Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đóng vai trò then chốt trong sự tăng trưởng này. Việc thực thi đầy đủ và hiệu quả EVFTA sẽ là nền tảng vững chắc để quan hệ đối tác EU-Việt Nam phát triển xa hơn nữa. Sự phát triển này đồng nghĩa nhu cầu tiếp tục cải thiện môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với các quy định rõ ràng, dễ dự đoán, áp dụng nhất quán trên các địa phương cả nước, và quy trình ra quyết định nhanh chóng.
Liên minh châu Âu cam kết đảm bảo việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA) trong thời gian sớm nhất có thể. Đại sứ cũng hoan nghênh những cải cách hành chính đang diễn ra tại Việt Nam và sự quả quyết của lãnh đạo Việt Nam về việc thúc đẩy quá trình ra quyết định nhanh chóng, giảm chi phí kinh doanh và đơn giản hóa môi trường đầu tư kinh doanh; và chia sẻ sơ bộ về các chuyến thăm dự kiến sắp tới của các lãnh đạo cấp cao EU, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Cao ủy Thương mại Maroš Šefčovič và Cao ủy về Đối tác Quốc tế Jozef Síkela, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao EU - Việt Nam.
Góc nhìn từ các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về tác động của Thuế Tiêu thụ Đặc biệt và Thuế Tối thiểu Toàn cầu, đề xuất chính sách thuế hợp lý để Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, nhu cầu về việc chuẩn hóa tiêu chí đầu tư và đảm bảo nguồn năng lượng xanh ổn định cho phát triển bất động sản công nghiệp cũng được nhấn mạnh.
Một vấn đề pháp lý quan trọng khác được nêu lên là quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ. Các doanh nghiệp phản ánh những điểm nghẽn trong thực tiễn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và chiến lược đầu tư dài hạn. Nếu vấn đề này được giải quyết sẽ giúp tự do hóa luồng hàng thương mại và giúp xây dựng Việt Nam thành một trung tâm logistics mới của khu vực, bên cạnh Singapore
Trong khuôn khổ tọa đàm, các lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện cho những trụ cột quan trọng trong đầu tư châu Âu tại Việt Nam đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Song song, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương cũng tích cực phản hồi giải đáp.
Ông Andre de Jong từ Bosch bày tỏ mong muốn tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xe máy điện và công nghệ AI tiên tiến. Ông đề xuất giảm bớt các rào cản nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng cho mục đích nghiên cứu phát triển sản phẩm, hiện đang ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ trong nước.
Ông Maximilian Rummert từ Bayer nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ thông tin kinh doanh và quyền sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích đổi mới, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Ông cũng đề xuất đẩy mạnh công nghệ bảo vệ cây trồng sinh học, drone nông nghiệp và công nghệ sinh học để ứng phó với các áp lực môi trường.
Với quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 8 tỷ euro vào năm 2023 và dự kiến tăng 11% vào năm 2030, ông Burak Pekmezci từ Sanofi kêu gọi hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và toàn ngành dược nhằm hiện đại hóa và đơn giản hóa quy trình quản lý. Ông cũng đề xuất áp dụng các cơ chế quốc tế để đảm bảo nguồn cung thuốc thiết yếu ổn định, tránh gián đoạn điều trị và đẩy nhanh tiếp cận thuốc mới. Ngoài ra, ông kêu gọi sửa đổi Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để cải thiện khả năng tiếp cận vaccine và các giải pháp phòng ngừa tiên tiến cho người dân Việt Nam.
Chuyển Dịch Năng Lượng Xanh
Trong khuôn khổ cuộc đối thoại, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ những kỳ vọng và đề xuất trong việc phát triển các công nghệ mới và cải cách chính sách nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực sản xuất, ông Wietse Mutters từ Heineken đề xuất áp dụng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách hợp lý theo từng giai đoạn, tránh tác động tiêu cực đến GDP, doanh thu nhà nước và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông cũng kêu gọi ban hành các quy định hỗ trợ về tái sử dụng nước thải và tái chế vỏ lon, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Bà Claudia Anselmi từ Công ty TNHH Dệt & Nhuộm Hưng Yên nhấn mạnh sự cần thiết của việc làm rõ chính sách và điều chỉnh quy định nhằm hỗ trợ quy trình xuất nhập khẩu tại chỗ. Bà cũng chỉ ra những vướng mắc trong hoàn thuế VAT theo hệ thống hiện tại, khiến chi phí gia tăng và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư và phát triển tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam cam kết tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, ổn định và thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và sẽ tiếp tục lắng nghe, cải thiện, đổi mới, vì sự phát triển bền vững và lợi ích hài hòa của cả hai bên.”
Trong bối cảnh Việt Nam và EU kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cuộc đối thoại cấp cao này tiếp tục khẳng định cam kết chung trong việc củng cố quan hệ kinh tế song phương. EuroCham sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Với lộ trình cải cách pháp lý rõ ràng và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ, triển vọng thương mại và đầu tư EU-Việt Nam tiếp tục mở rộng, hứa hẹn một tương lai thịnh vượng và quan hệ song phương ngày càng bền chặt.
Theo Ngày Mới Saigon
Từ khóa : Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, EuroCham, quan hệ kinh tế, đối thoại cấp cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính