Kỳ vọng mới từ kinh tế tư nhân

(DĐDN)- Với quyết tâm của Chính phủ trong việc đổi mới, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN, thẳng thắn nhìn nhận và đối mặt những thách thức yếu kém về quản lí, tham nhũng, thay đổi nhận thức… tất cả đang tạo ra niềm tin và kỳ vọng lớn cho cộng đồng DN tư nhân.

Xưởng sx của Cty Dụng cụ cơ khí xuất khẩu tại Quang Minh Hà Nội

Vai trò trung tâm

Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy vai trò của kinh tế nhà nước rất quan trọng, nhưng động lực để phát triển nền kinh tế phải là kinh tế tư nhân. Trong một báo cáo của WB đã đưa ra 5 tiêu chí để Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035, trong đó tiêu chí thứ 4 là: tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP đạt ít nhất 80%. Đồng thời cũng chỉ ra 6 mũi phải chuyển đổi lớn, trong đó mũi thứ 3 là: Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm.

Hiện nay, nước ta có khoảng trên 500.000 DN tư nhân, tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm và 90% việc làm mới cho người lao động, với 51% lực lượng lao động cả nước đã đóng góp trên 50% GDP. Tuy nhiên, hầu hết các DN tư nhân là DN nhỏ và vừa, có tới 96% DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa, với số lượng trung bình dưới 30 công nhân, quy mô vốn, tài sản và trình độ khoa học – công nghệ thấp. Có rất ít các DN đầu tư dài hạn trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ công nghệ cao, sáng tạo… do vậy việc kết nối với các DN FDI còn kém, không tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Việt Nam ở đẳng cấp cao và hiệu quả kinh tế vượt trội. Hệ số sinh lời của khối DN tư nhân ngày càng giảm xuống chỉ khoảng trên 1%, trong khi lãi suất phải trả ngân hàng trên dưới 10%.

Hệ số sinh lời của khối DN tư nhân ngày càng giảm xuống chỉ khoảng trên 1%, trong khi lãi suất phải trả ngân hàng trên dưới 10%

5 giải pháp cấp bách

Để tạo điều kiện mở đường cho cộng đồng DN tư nhân Việt Nam phát triển, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tôi cho rằng có 5 vấn đề cấp bách phải quan tâm giải quyết:

Thứ nhất, Chính phủ cần nhanh chóng Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển quốc gia trong bối cảnh hội nhập bằng sử dụng trí tuệ của đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, để thiết kế chiến lược quy hoạch toàn diện các ngành kinh tế, các vùng miền, các tỉnh thành, trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam theo định hướng chọn lọc, phát huy thế mạnh của đất nước cũng như các ngành, sản phẩm trọng điểm. Trong đó xác định và lượng hóa rõ sự tham gia của kinh tế tư nhân, đồng thời cần những giải pháp có tính đột phá, để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân. Giảm sự độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực như than, điện, ngân hàng, xây dựng, phân bón, cao su… cho phép các DN tư nhân tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ công.

Thứ hai, tối đa hoá và cộng hưởng nguồn lực xã hội, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có bằng việc cho cộng đồng DN tư nhân được tiếp cận bình đẳng theo cơ chế công khai minh bạch và theo hình thức “nhà nước tạm ứng lợi thế, DN tư nhân quản lý minh bạch và hiệu quả”; Khuyến khích hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, cho DN tư nhân tham gia vốn vào các Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thứ ba, trong 10 năm tới đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là 1 kênh quan trọng để thu hút vốn, công nghệ, trình độ quản lý, công ăn việc làm và sức cạnh tranh của Việt Nam. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục mở cửa để thu hút các dòng vốn đầu tư trên thế giới. Cần phải có chiến lược tận dụng tốt hơn nguồn vốn FDI và cải thiện lực lượng DN nội địa. Hợp tác, liên doanh giữa DN FDI và DN trong nước để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ tư, kiểm soát dòng vốn quốc gia, cân đối nguồn lực cung cấp cho các ngành theo chiến lược phát triển chung, tránh đầu tư thiên về BĐS, tránh tạo ra bong bóng vì đầu tư thiên lệch và hiệu quả ngắn hạn, tập trung vào xử lý vấn đề nợ xấu và hoạt động hiệu quả của hệ thống ngân hàng và các DN. Nên kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn rẻ đầu tư vào hạ tầng với các yêu cầu tổng mức đầu tư lớn và thu hồi vốn lâu.

Thứ năm, đấu tranh quyết liệt và không khoan nhượng với tham nhũng. Để người dân giám sát và tham gia cuộc chiến chống tham nhũng. Cho phép cộng đồng DN chấm điểm các cơ quan công quyền, trước mắt ở cấp cơ sở, từ các Tổng cục, Cục và Sở ban ngành trở xuống làm cơ sở để đổi mới và sắp xếp cán bộ.

Phạm Đình Đoàn
CT HĐQT Tập đoàn Phú Thái

Theo enternews.vn

Từ khóa : Phạm Đình Đoàn,Tập đoàn Phú Thái,doanh nghiệp tư nhân