Nghệ Sĩ Ưu Tú Hồng Vân: Dân ca là hồn và bản sắc âm nhạc của quê hương

Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Vân biết ngâm thơ lúc còn học phổ thông; sống lạc quan, thường đem niềm vui đến cho bạn bè, người thân; từ nhỏ đã yêu dân ca, yêu tà Áo Dài – đó là lý do trong hơn 50 năm ca hát, chị vẫn luôn mặc Áo Dài khi biểu diễn.

Nhưng, nói đến Hồng Vân không chỉ có thế. Ở người nghệ sĩ này còn là những đóng góp đáng kể trong việc phát huy dòng nhạc quê hương và những chiêm nghiệm cuộc sống rất tích cực đang truyền cho thế hệ trẻ.

Được biết, từ năm 1971- 1972, giữa lúc giới trẻ bấy giờ đang ưa chuộng dòng nhạc trẻ hay nhạc ngoại quốc được du nhập vào Việt Nam, thì chị lại gia nhập  nhóm Tam ca Đông Phương chuyên trình diễn dân ca. Chị vui lòng cho biết vì sao chị lại chọn hướng biểu diễn riêng như vậy?

Tôi sinh ra trong một gia đình nho giáo ở Huế. Ngay từ nhỏ, những lời ru, những bài hát dân ca của mẹ đã đi vào lòng tôi không biết tự bao giờ. Chính điều đó đã nuôi dưỡng mơ ước làm ca sĩ hát dòng nhạc dân ca của tôi. Và đến năm 1971, tôi may mắn được góp mặt trong nhóm Tam ca Đông Phương gồm 3 ca sĩ là Thu Hà, Hồng Vân, Tuyết Hằng. Những bài hát của chúng tôi được các giáo sư âm nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ là Hùng Lân, Lê Thương, Vĩnh Phan, Phạm Trọng Cầu viết hoà âm. Do có sự đầu tư nghiêm túc về chất lượng như thế nên chúng tôi luôn được tỏa sáng ở phòng trà Đêm Màu Hồng.

Tuy chúng tôi có hướng đi riêng nhưng lại được khán giả ưa chuộng và rất thành công vào giai đoạn ấy - vì chúng tôi trình diễn dân ca 3 miền bằng dàn nhạc dân tộc, với phong cách đẹp và sang trọng, thể hiện tâm hồn của 3 miền qua từng thành viên của nhóm: ca sĩ Thu Hà (miền Bắc) với áo tứ thân, khăn mỏ quạ, nón quai thao; Hồng Vân (miền Trung) với áo dài tím, nón bài thơ; Tuyết Hằng (miền Nam) với áo bà ba, khăn rằn, búi tóc.

Có thể nói, từ ban Tam ca Đông Phương, chúng tôi đã góp được phần nhỏ trong việc lan tỏa dòng nhạc dân ca đến mọi người và đặc biệt là giới trẻ - giúp họ có cái nhìn tự hào hơn về dòng nhạc quê hương và văn hoá dân tộc Việt.

 

Từ đó đến nay chị vẫn trung thành với dòng nhạc dân ca? Có bao giờ chị phải đối mặt với sự đào thải của thị trường âm nhạc ngày nay không?

Tôi may mắn có được năng khiếu rộng về âm nhạc, nhất là âm nhạc của quê hương, dân tộc nên tôi hát được đủ thể loại với nhiều ban nhạc, theo yêu cầu của khán giả và người thực hiện chương trình. Ngoài việc vừa hát vừa ngâm thơ, tôi còn hát chèo, chầu văn, quan họ và những điệu hát cung đình Huế.

Sau năm 1975, tôi vẫn trung thành với dòng nhạc dân ca và tiếp tục tham gia biểu diễn ở các đoàn nhạc kịch nổi tiếng trong nước như : Bông Sen, Hương Miền Nam, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng.

Tôi được đi lưu diễn ở các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc, mang tiếng hát đến cả các nhà máy và nông trường xa xôi. Tôi cũng từng được mời biểu diễn ở các nước Liên Xô, Pháp, Mỹ,..

 Đặc biệt, tôi được chọn đóng vai Đức Từ Hoàng Thái Hậu- mẹ vua Bảo Đại trong bộ phim lịch sử Triều Nguyễn – Ngọn Nến Hoàng Cung (Đạo diễn Quốc Hưng). Bộ phim rất thành công lúc bấy giờ và cũng góp phần giúp tôi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001.

Sau dịch Covid và thiên tai, kinh tế vẫn còn khó khăn nên các phòng trà ít hoạt động hơn và lượng người đến nghe nhạc cũng ít đi. Tuy nhiên, tôi vẫn có những show thầm lặng khác, ví dụ như ở nước ngoài vẫn còn nhiều khán giả Việt thích nghe tôi hát và ngâm thơ; tôi vẫn còn được mời biểu diễn trong những sự kiện có âm nhạc; và điều quan trọng là tôi vẫn còn được giọng hay để đáp ứng thị hiếu khán giả.

Ngày nay, dòng nhạc quê hương cũng được nhiều nghệ sĩ trẻ chọn làm hướng đi riêng trong biểu diễn. Chị nghĩ thế nào về điều này?

Bây giờ nghe các bạn trẻ hát dân ca tôi rất mừng. Nhưng có lẽ khá khó cho các em, bởi các em không có những phút giây sống với dân ca như thế hệ trước ngày xưa: được mẹ hát ru, tay cầm quạt, cùng cơn gió mát hay tiếng nhạc rì rào của lũy tre xanh và giấc ngũ vùi trong vòng tay mẹ trên võng êm vào trưa hè oi ả…

Hát dân ca khá dễ vì điệu hát và lời ru của ông cha để lại đã có sẵn. Nhưng điều quan trọng là hát thế nào để chạm vào trái tim và nỗi nhớ của người nghe. Bởi, dân ca chính là cái hồn và bản sắc âm nhạc của quê hương.

Người hát dân ca phải làm sao cho người nghe cảm nhận được giọng miền Bắc: véo von , có chút lẳng ngầm; giọng miền Nam: trầm buồn vời vợi, ngân nga ngọt lịm; giọng Huế: hò ngân nga, day dứt, sâu lắng. Nếu các ca sĩ trẻ nắm bắt được  điều này, tôi nghĩ rằng các em ấy sẽ sớm khẳng định được mình trong dòng nhạc quê hương.

Sau hơn 50 năm ca hát và trải qua nhiều thăng trầm, chị quan niệm thế nào về hạnh phúc?

Qua bao thăng trầm trong nghề nghiệp và chiêm nghiệm về cuộc đời, tôi thấy mình rất may mắn, khi hiện nay tôi vẫn giữ được tiếng hát cùng năng lượng yêu cuộc sống, được biểu diễn và cũng còn được khán giả yêu thương.

Trong cuộc sống, tôi vẫn bên cạnh gia đình đầm ấm; với bè bạn cũng chan chứa tình cảm và tiếng cười. Tôi yêu quê hương và không bao giờ muốn rời xa, bởi đây là nơi đã nuôi tôi khôn lớn và giúp tôi thăng hoa trong nghệ thuật.

 Nếu bảo mỗi người có một số phận thì tôi cho rằng: Sau bao phấn đấu, nỗ lực, tôi đang có một số phận rất may mắn. Một khi bạn tự hài lòng về chính mình thì sẽ cảm thấy hạnh phúc- đơn giãn thế thôi.

Cám ơn những chia sẻ của chị.

Theo Ngày Mới Saigon

Từ khóa : Nghệ Sĩ Ưu Tú Hồng Vân, Dân ca, bản sắc âm nhạc, Meritorious Artist Hong Van, Vietnamese folk songs, the musical identity