30 04 75 SAIGON Sự Kiện & Đối Thoại

"Ấn tượng nhất của tôi là cảm giác có được hòa bình, chấm dứt một cuộc chiến tranh đẫm máu 30 năm. Kết thúc cuộc chiến mà trông giống như một cuộc đoàn tụ gia đình lớn. Ngay cả những phóng viên nước ngoài còn ở lại cả trăm người cũng không tin vào mắt mình khi nhìn thấy cảnh tượng bộ đội hòa mình vào với nhân dân Sài Gòn, trông giống như những người anh em đi xa quay về gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi… "
“Hòa bình đã đến thật rồi! Lớp thanh niên thành phố lúc đó chưa thể hình dung hết cảm giác có một ngày đất nước chấm dứt chiến tranh, hòa bình trở về. Bắt đầu có lẽ là những ấn tượng kỳ lạ, thật khó tin: bầu trời sao im ắng không một bóng máy bay, trên phố không có tiếng rú còi đoàn xe quân sự, đêm về không còn ánh sáng hỏa châu, tiếng súng vọng về. Ấn tượng đêm 30/4 đầu tiên là như thế. Ba thẩn thờ như người đi trong mơ. Không còn chiến tranh, cả nước có hòa bình và thống nhất thật rồi!”
Cuốn sách này là câu chuyện trung thực thuật lại sự kiện lịch sử diễn ra 40 năm về trước tại Sài Gòn: ngày 30/04/1975.
Các câu chuyện trong sách được tác giả Nguyễn Hữu Thái kể lại ở góc độ một nhân chứng, một “người trong cuộc” - “mắt thấy tai nghe” với các con thuộc thế hệ lớn lên sau 1975.
Đồng tác giả cùng Nguyễn Hữu Thái là vợ ông - bà Trần Tuyết Hoa - người cũng từng tham gia hoạt động sôi nổi trong phong trào phản chiến, đòi hòa bình, độc lập dân tộc. Ngoài ra, các con của ông bà là Nguyễn Hữu Thái Hòa và Nguyễn Hữu Thiên Nga cũng tham gia trong sách với góc nhìn của thế hệ trưởng thành sau chiến tranh.
Nội dung cuốn sách gồm:
- Đối thoại giữa các thế hệ 4x (cha mẹ) và 7x (các con).
- Những câu chuyện xảy ra ở Sài Gòn ngày 30/4/1975: Diễn tiến các sự kiện, câu chuyện “30/4/75, Dương Văn Minh và tôi” (do thế hệ 4x Nguyễn Hữu Thái kể lại), Các nhân vật 30/4 mà tác giả được biết.
- Vấn đề “Hòa hợp hòa giải dân tộc”, những ‘nhận thức và hiện thực’ về tình hình đó, bài ‘Trịnh Công Sơn & chấn thương chiến tranh’ là nghiên cứu của các tác giả cho Quỹ nghiên cứu Joiner (Trung tâm William Joiner Nghiên cứu về Chiến tranh và Hậu quả Chiến tranh, Đại học Massachusetts Boston, Hoa Kỳ), năm 2005.
- Ước mơ về một giải “Nobel Hòa bình” cho Việt Nam do thế hệ 7x Nguyễn Hữu Thái Hòa đề xuất.
Phần Phụ lục của cuốn sách nhằm giúp cho các bạn trẻ lớn lên sau chiến tranh thông hiểu được các sự kiện lịch sử nêu trên qua các phần Thuật ngữ, Tài liệu tham khảo, Ghi âm các buổi phát thanh và các Bản đồ (đô thành Sài Gòn thời 1970, sơ đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975).
Sách gồm nhiều hình ảnh minh họa, thiết kế mới lạ. Bìa và các trang chính bên trong do một nhà thiết kế trẻ tài năng người Canada gốc Việt thực hiện. Sách do NXB Thế giới & AlphaBooks liên kết xuất bản, đang có mặt trên toàn quốc.
Vài nét về tác giả:
Nguyễn Hữu Thái - Nhân chứng 30/04.
Là một “người trong cuộc” chứng kiến những sự kiện lịch sử của ngày 30/04/1975 ở Sài Gòn 40 năm về trước.
Trần Tuyết Hoa - Nữ vương Hòa bình. Là bạn thân của Nhất Chi Mai, sinh viên Phật tử Sài Gòn đã tự thiêu cho hòa bình Việt Nam năm 1967, cũng là bạn thân của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Trương Thìn… ủng hộ họ sáng tác và cùng trình diễn nhạc phản chiến, đòi hòa bình, độc lập dân tộc.
Nguyễn Hữu Thái Hòa - Giấc mơ Việt Nam.
Hiện nay đang là Giám đốc quản lý chiến lược của Tập đoàn FPT, nhiệt tình truyền “Giấc mơ Việt Nam” cho thế hệ trẻ qua những chương trình đào tạo nhà quản trị.
Nguyễn Hữu Thiên Nga - Cánh chim kết nối.
Sáng lập nhóm Musica Era tại Mỹ - điểm kết nối để quảng bá văn hóa, âm nhạc truyền thống Việt Nam cho người Việt cũng như người bản xứ.
Tham gia tích cực vào các chương trình từ thiện, vận động thiện nguyện viên trên toàn thế giới hỗ trợ người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi và khuyết tật Việt Nam, ưu tiên tạo nhiều công ăn việc làm cho sinh viên - học sinh.
Theo Ngày mới Saigon- NXB Thanh Niên
Từ khóa : hòa bình,chiến tranh,bộ đội